Xuyên tạc, chống phá các chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số là mưu đồ xuyên suốt của thành phần phản động. Ở Tây Bắc, họ dựng lên cái gọi là “Vương quốc Mông”, ở Tây Nam Bộ, họ tuyên truyền tư tưởng “ly khai tự trị”, đòi thành lập “Nhà nước Khơme Campuchia Krôm độc lập”, còn ở Tây Nguyên, họ triệt để lợi dụng vụ khủng bố xảy ra tại Đắk Lắk để vu cáo rằng ở Việt Nam có “kỳ thị dân tộc”, “phân biệt chủng tộc”, “đàn áp dân tộc”, “ở Việt Nam, quyền bình đẳng giữa các dân tộc không được bảo đảm”, kích động “Tây Nguyên là của người Thượng”, “đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người Kinh về xuôi”. Để tăng hiệu quả kích động tư tưởng dân tộc cực đoan, họ dẫn dắt, đánh lận sang quyền tự do tôn giáo nhằm “quốc tế hóa” vụ việc nhằm kêu gọi can thiệp nội bộ Việt Nam.
Bình luận về mưu đồ này, cây bút Quốc An cho rằng, đó là những giọng điệu, chiêu trò trắng trợn xuyên tạc sự thật, hết sức thâm độc, nguy hiểm, mang dụng ý xấu..
Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những năm tháng đất nước bị xâm lăng, chủ nghĩa thực dân, đế quốc áp dụng những chính sách đi ngược lại với nguyện vọng và quyền của các dân tộc ở Việt Nam như “chia để trị”, “dùng người Việt trị người Việt”, kích động gây đối đầu giữa dân tộc này với dân tộc khác…. Mục đích của những hành động đó không gì khác là nhằm kìm hãm sự phát triển, trói buộc các dân tộc trên đất nước Việt Nam trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu và dốt nát, chia rẽ mối đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, phục vụ cho mưu đồ thống trị lâu dài của chúng.
Quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn xác định vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta; giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, 54 dân tộc anh em luôn là một khối đoàn kết, thống nhất cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Là một quốc gia đa dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14%, hầu hết đồng bào các dân tộc sinh sống ở địa bàn miền núi, biên giới… nơi có vị trí chiến lược cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, nhận thức rõ tầm quan trọng ấy nên Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải thiện, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào. Suốt mấy chục năm qua, những thành tựu đạt được đã chứng tỏ tính đúng đắn trong đường lối, chính sách mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhất là sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách hết sức cụ thể nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt…. để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, chăm lo cho đồng bào các dân tộc phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế… từng bước cải thiện đời sống. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải dồn sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc. Thực tiễn đã chứng minh, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam không hề có chuyện dân tộc lớn đi áp bức, bóc lột dân tộc nhỏ, quan hệ giữa các dân tộc với nhau là anh em, ruột thịt một nhà. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Êđê, Xơđăng hay Bana… đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Chính tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc là một nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.
Sau giải phóng, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới, thực tế đã chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, các chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới ưu tiên cao nhất để thực hiện quyền phát triển của các dân tộc. Với những điều kiện thuận lợi mở ra đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, mọi người đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những ưu việt của chế độ mới ở Việt Nam là giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc. Liên Hiệp Quốc, đã đánh giá rất cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam; hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực, nhất là những nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh. Những kinh nghiệm về xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc thiểu số của Việt Nam cũng được LHQ ghi nhận và đánh giá cao…
Bất chấp thực tế đó, các thế lực thù địch không để ta yên. Họ luôn tìm mọi cách chống phá ta trên mọi lĩnh vực, với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc, nham hiểm, tinh vi. Những luận điệu, chiêu trò vu cáo, xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta như chúng từng rêu rao trên Internet, mạng xã hội thời gian qua cũng nằm trong âm mưu, thủ đoạn đó. Do vậy, cùng với không ngừng củng cố, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác, nhận diện đúng và kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam./.