Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
32553

Vi phạm quyền con người trên không gian mạng Kỳ 2: Biểu hiện vi phạm quyền con người trên không gian mạng hiện nay

Bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0), tác động đa chiều đến bảo đảm quyền con người, việc nhận diện các quyền con người dễ bị tổn thương trên không gian mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, biểu hiện vi phạm quyền tự quyết dân tộc trên không gian mạng hiện nay

Theo thống kê, Việt Nam đứng thứ 13 trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Chỉ tính đến tháng 12 năm 2019, Việt Nam đã có 64/97 triệu người sử dung Internet, trong đó có 94% người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày,[1]. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong nhóm bị tấn công mạng nhiều nhất.

Các thế lực thù địch và bọn tội phạm triệt để lợi dụng tính năng tiện ích của Internet, đặc biệt là mạng xã hội tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh, trật tự, gây bất ổn trong dư luận. Chúng sử dụng không gian mạng và một số loại hình dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện âm mưu tiến hành “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ chính trị ở nước ta.

Tình trạng đăng tải thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân nhất là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước tràn lan trên không gian mạng nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc về nhân mạng, tinh thần, thậm chí ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ngày càng xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, gia tăng về tính chất nghiêm trọng, mức độ nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Khủng bố mạng nổi lên như một thách thức đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Hoạt động phạm tội trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, ảnh hưởng đến tư tưởng, văn hóa, xã hội.

Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng. Do chưa xác định nội hàm sự cố an ninh mạng nên khi xảy ra các sự cố nguy hại, ảnh hưởng tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, việc triển khai hoạt động ứng phó, xử lý, khắc phục hậu quả của cơ quan chức năng có liên quan rất lúng túng, chưa có quy trình thống nhất, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng chưa thể chủ động triển khai các biện pháp, phương án phù hợp. Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước qua không gian mạng đáng báo động, nhiều văn bản thuộc bí mật nhà nước bị đăng tải trên không gian mạng[2].

Nhân loại đã chứng kiến, các thế lực thù địch đứng đầu là Mỹ và các nước phương Tây đã chủ động dàn dựng cách mạng màu trực tuyến để xâm phạm quyền tự quyết dân tộc của các quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông; sử dụng công nghệ mới thúc đẩy dân chủ và điều phối cách mạng thông qua Internet nổi tiếng của Mỹ đã đến Ai Cập; Mỹ đang thực hiện kế hoạch mở rộng không gian “cách mạng màu trực tuyến”: Nghiên cứu và đưa ra các chương trình nhằm giúp các lãnh đạo phong trào dân chủ vượt qua được sự kiểm soát, tường lửa phía chính quyền sở tại; sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải các hình ảnh, bản đồ hướng dẫn người biểu tình cách thức tiến hành các cuộc cách mạng; chi các khoản tiền giúp đỡ chuyên gia kỹ thuật và thành viên tích cực của các phong trào chống đối, tìm mọi cách để vượt qua những rào cản do chính phủ các nước lập ra nhằm ngăn chặn thâm nhập do Internet.

Mỹ và phương Tây đã, đang tìm mọi cách tiến hành cuộc cách mạng màu trực tuyến đối với  Việt Nam. Những chính khách và các phương tiện truyền thông phương Tây như CNN, BBC, RFA, Reuteur… đã tìm cách hậu thuẫn, tiếp sức cho các đối tượng phản động lưu vong và số cơ hội chính trị trong nước thông qua việc liên tục phát biểu, cập nhật thông tin, hình ảnh về các cuộc bạo động ở nhiều quốc gia trên thế giới một cách phiến diện và mang tính kích động; hô hào liên kết, tập hợp lực lượng và tăng cường các hoạt động chống phá với ảo vọng thực hiện “cách mạng màu trực tuyến” ở Việt Nam. Chúng lợi dụng Internet để phát tán các kế hoạch kích động biểu tình, phản đối chế độ, tích cực trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây; cho dịch các tài liệu phản động sang tiếng Anh để kêu gọi chính giới các nước phương Tây hành động. Ở bên ngoài, các tổ chức phản động người Việt lưu vong như Việt Tân, Đảng Người Việt yêu người Việt… cũng tận dụng tối đa sự lan tỏa của Internet để tuyên truyền, tán phát các bài viết khai thác những vấn đề nhạy cảm trong nước như tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khiếu kiện đất đai, biên giới, hải đảo để kích động biểu tình và kích động cuộc cách mạng màu ở Việt Nam.

Các đối tượng phản động, cơ hội trong và ngoài nước đã câu kết gây ra hoặc lợi dụng những vấn đề phức tạp trong nước để chụp ảnh, ghi hình rồi tán phát trên Internet nhằm bêu riếu và chứng minh Việt Nam đang diễn ra cuộc cách mạng màu. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng các cuộc biểu tình, phản đối Trung Quốc về biển Đông để kích động biểu tình trên phạm vi cả nước. Sự kiện diễn ra vào trung tuần tháng 7/2018 là một ví dụ điển hình: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, các đối tượng đã kích động quần chúng tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự, tấn công trụ sở cơ quan công quyền, gây ra vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại tỉnh Bình Thuận. Trong vụ việc này, các tổ chức, đối tượng phản động đã triệt để lợi dụng mạng xã hội để tán phát các hình ảnh, video về vụ việc, xào rán nội dung, sử dụng chế độ phát lại hình ảnh để tạo dư luận vụ việc diễn biến lan rộng không thể dập tắt nhằm kích động nhân dân tiếp tục xuống đường, tạo hiệu ứng Domino tiến tới thực hiện một cuộc cách mạng màu trên phạm vi toàn quốc. Đây chính là minh chứng sự tái hiện kịch bản đã được Mỹ và các nước phương Tây hướng dẫn các phần tử chống Chính phủ dàn dựng thành công ở Bắc Phi và Trung Đông trước đây.

Ngoài ra, các tổ chức phản động, hội nhóm chống đối rất coi trọng việc sử dụng các trang mạng xã hội, lập ra các Fanpage, Group… để liên kết, tập hợp lực lượng, thu hút hội viên, sẵn sàng sử dụng khi có thời cơ xuất hiện sẽ kích động số này làm nòng cốt cho các cuộc tuần hành đường phố[3].

Từ phân tích trên cho thấy, Mỹ và các nước phương Tây đã và đang ráo riết chỉ đạo và chống lưng cho các thế lực thù địch áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội để thực hiện “Công nghệ lật đổ chính quyền”, tiến hành từng bước cuộc “cách mạng màu trực tuyến” hòng xóa bỏ chế độ chính trị, xâm phạm quyền tự quyết dân tộc của Việt Nam. Do đó, cần phải nắm vững để chủ động phòng, chống là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Thứ hai, biểu hiện vi phạm các quyền dân sự, chính trị trên không gian mạng hiện nay

          Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ trách nhiệm bảo đảm quyền con người, coi đây là một động lực cho sự phát triển của xã hội. Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ các quyền cơ bản của con người về tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp; tham gia quản lý nhà nước, quyền được bí mật riêng tư, quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng;… nghiêm cấm các hành vi lợi dụng mạng xã hội để xâm phạm các quyền trên của mỗi người. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Điều 25 đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuy nhiên, đã có những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận trên không gian mạng để xâm hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cần phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Trên không gian mạng xuất hiện các hành vi chống nhà nước, bao gồm sử dụng không gian mạng để tổ chức, lôi kéo, xúi giục, huấn luyện người chống nhà nước: Hành vi đăng tải, phát tán thông tin kích động biểu tình trái pháp luật, kích động gây rối an ninh, trật tự); xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; phát tán thông thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hành vi “nói xấu” người khác với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của người khác; thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, giả mạo. Bên cạnh đó, còn có các hành vi xâm phạm trật tự an toàn xã hội như sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng; sản xuất, sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, hệ thống thông tin hay hành vi phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin… Đây chính là hành vi chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để trục lợi…

Thông tin từ Bộ Công an, 170 cá nhân tung tin sai lệch về dịch Corona đã bị triệu tập, xử lý, thông tin sai bị đề nghị gỡ bỏ; 41 trường hợp không hợp tác hoặc không thực hiện sẽ để xử lý hình sự khi đủ điều kiện. Lực lượng an ninh mạng qua rà soát không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng ngàn tin, bài, thông tin sai lệch, thông tin giả về tình hình dịch bệnh gây hoang mang dư luận và xác minh điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin thất thiệt này[4]. Điều này cho thấy phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo bởi đều là hành vi ứng xử của con người thật. Phát ngôn sai trái, thông tin chưa chính xác, tiêu cực, nhất là hành vi vu khống, làm nhục người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác khi bị lan truyền trên không gian mạng gây tác động xấu đến người khác, đến xã hội, vi phạm nghiêm trọng quyền con người (nhất là người có ảnh hưởng đến cộng đồng), thậm chí ảnh hưởng đến cơ hội tham chính của người bị hại khi sắp đến kỳ đại hội, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bị kẻ xấu dùng thủ đoạn, áp dụng công nghệ dùng hình ảnh cắt, ghép tung tin đồn nhảm gây dư luận hoài nghi về nhân cách của nhân sự đang được quy hoạch/ chuẩn bị làm quy trình bổ nhiệm/bổ nhiệm lại chức danh lãnh đạo, quản lý.

Thậm chí, những hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên mạng xã hội đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt là với “nạn nhân”- những người bị làm nhục. Dường như mỗi lần có thời sự “nóng” là trên mạng xã hội lại xuất hiện những tin giả được… chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau đó, đám đông trên mạng sẵn những “hòn đá vô hình” để mạt sát người khác dưới vỏ bọc “đòi công bằng” hay “quyền phản biện”. Việc thể hiện cái đúng trên mạng xã hội dường như rất khó khăn, khi ở đó có quá nhiều người thích a dua, gây hấn, luôn tỏ ra mình rất hiểu, rất mạnh và rất đúng. Việc “đòi công bằng” trên không gian này cũng bất chấp đúng sai. Hậu quả là những người bị xúc phạm, lăng nhục sẽ cảm thấy áp lực kinh khủng vì bị xô đẩy bởi “mưa, bão gạch đá” trên mạng xã hội. Họ phải gặm nhấm nỗi đau đớn với những lời lẽ thiếu suy nghĩ từ cư dân mạng, thậm chí nhiều người vì căng thẳng quá mức dẫn đến trầm cảm, tự tìm đến cái chết. Một số khác, bị rối loạn tinh thần, vì sợ mất mặt mà mặc cảm, tự ti, không dám đến cơ quan, nhà trường, không dám bước ra xã hội.

Chính vì vậy, ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dich điện tử (có hiệu lực từ 15/4/2020) theo đó: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng.

Thứ ba, biểu hiện vi phạm trên không gian mạng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa

Biểu hiện vi phạm các quyền kinh tế: Thực tế cho thấy, không chỉ dừng lại ở hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, vi phạm quyền riêng tư, trên không gian mạng còn xuất hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua nhiều thủ đoạn tinh vi: Mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; sử dụng nhiều số điện thoại, liên lạc dụ dỗ người nhẹ dạ, sử dụng nhiều tài khoản để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, hàng của các nạn nhân…xâm phạm quyền sở hữu tài sản của mọi người.

Một biểu hiện khác là hành vi tung tin thất thiệt về một sản phẩm, một cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang, thậm chí tẩy chay mặt hàng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với của người/nghề/ngành/nơi sản xuất. Chẳng hạn, vụ một tài khoản Facebook Lương Hoàng Anh với hơn 70.000 người theo dõi đưa thông tin không đúng sự thật về tỏi Lý Sơn: “Năm nay, toàn bộ giáo dân đảo Bé Lý Sơn thu hoạch được 49kg tỏi cô đơn Lý Sơn. Mỵ không dùng tỏi đảo Lớn nữa vì cả đảo đã nhiễm thuốc trừ sâu, nguồn nước giếng bơm lên tưới giờ cũng toàn thuốc trừ sâu”. Ngay lập tức đã gây tranh cãi, bức xúc ồn ào dư luận mạng có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và hiệu quả kinh doanh sản phẩm tỏi nổi tiếng. Sự truyền tải nhanh chóng lan truyền và bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, ảnh hưởng đến thương hiệu “vàng trắng“, gây thiệt hại kinh tế cho người dân Lý Sơn[5].

Trong thời đại công nghệ số, các website, mạng xã hội, diễn đàn…không ngừng phát triển mạnh mẽ và đang dần là xu hướng truyền thông tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã xuất hiện việc cạnh tranh không lành mạnh núp bóng các website, các trạng mạng xã hội khiến nhiều doanh nghiệp đối diện nhiều thách thức, vì bị đặt điều, bêu xấu trên mạng. Điều này không chỉ làm mất đi hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn bị thiệt hại không hề nhỏ về kinh tế. Đây là biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo sự thật để tập trung ưu thế cho lợi ích của một nhóm cá nhân hoặc doanh nghiệp nào đó. Hoặc bị đối thủ cạnh tranh này “lợi dụng” để nói xấu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh khác trên thương trường chứ không phải là sự phê bình có thiện chí.

Điển hình như vụ: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ cao ASAMA có địa chỉ tại lầu 2, số 33 Quách Văn Tuấn, Phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp rắc rối không nhỏ với các thông tin lan truyền trên website:www.tapchibitcoin.vn với 02 bài viết: “Nóng – Asama Mining: Công ty tuyên bố hết tiền, nhà đầu tư tự mua bán $ A ảo, bộ mặt lừa đảo chính thức lộ diện” và “Asamafarm – Kỳ 2: Chạy ngay đi”. Tại các bài viết này, trang website:www.tapchibitcoin.vn đã đưa thông tin liên quan đến nội bộ của công ty như: Biện pháp kinh doanh, hình thức kinh doanh, mạng lưới của công ty. Kèm với đó là các bình luận không có căn cứ về việc kinh doanh cũng như các biện pháp truyền thông của công ty này. Bức xúc hơn, trang website còn sử dụng những từ ngữ nhạy cảm như: “đổ bể”; “lập lờ”; “không ngờ nát sớm như vậy”… để minh chứng cho những bình luận thất thiệt. Trang website này đã tự ý lấy những hình ảnh cá nhân của ban lãnh đạo công ty để kèm theo bài viết.

Cùng với đó còn dẫn thêm các đường linh Telegram: https://t.me/tapchibitcoinvn…  nhằm đẩy mạnh thông tin lan rộng trên mạng xã hội. Từ đây, đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều bình luận gây tâm lý hoang mang, dè chừng cho các đối tác của công ty, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty[6].

Một tình trạng đáng báo động là người dân trở thành nạn nhân của “Bẫy tín dụng đen” là một trong những hình thức mà tội phạm trên mạng xã hội thường hay sử dụng để dụ dỗ những người đang cần tiền để trả nợ, đầu tư làm ăn hoặc giải quyết công việc “nóng”. Với thủ tục đơn giản như chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu… là người cần tiền có thể dễ dàng vay được tiền để giải quyết công việc. Họ không biết rằng mình đã sa vào cái “bẫy tín dụng đen” của các ông chủ cho vay nặng lãi với mức lãi suất cắt cổ hàng ngày. Để rồi chẳng mấy chốc vướng vào món nợ khổng lồ cùng sự hối thúc trả nợ nếu không sẽ nhận được hậu quả xấu: Gia đình tan nát, khuynh gia bại sản vì món nợ khổng lồ do “lãi mẹ đẻ lãi con” tính theo ngày, thậm chí bị đe dọa tính mạng, danh dự, nhân phẩm.

Biểu hiện vi phạm quyền văn hóa, xã hội: Bên cạnh những tác động tích cực, trên không gian mạng có quá nhiều thông tin độc xấu gây nhiễu loạn,  ảnh hưởng nghiêm trọng phong tục, tập quán tốt đẹp, cổ xúy lối sống thực dụng, sa đọa, nuôi dưỡng tâm lý hưởng thụ, ích kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với người thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Bên cạnh đó, việc thanh thiếu niên mắc căn bệnh trong thời đại công nghệ số là “nghiện mạng xã hội” đã phung phí thời gian sử dụng mạng, bỏ bê công việc, chểnh mảng học hành, kết quả học tập giảm sút; theo dõi, tương tác với người lạ, những tổ chức, trang có nguồn thông tin không chính xác, phản cảm, thiếu văn hóa; thay vì chú tâm tìm kiếm công việc trong tương lai bằng cách học hỏi những kỹ năng cần thiết, các bạn sinh viên lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím” và nổi tiếng trên mạng. Ngoài ra, việc đăng tải những thông tin “giật gân” nhằm câu like không còn là chuyện xa lạ. Mạng xã hội cũng góp phần tăng sự ganh đua, sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để tìm like và nó sẽ cướp đi đáng kể quỹ thời gian; giảm sự tương tác giữa người với người, thường xuyên so sánh với người khác, ảnh hưởng sức khỏe do ánh sáng nhân tạo tỏa ra từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ đánh lừa não khó ngủ hơn, thức thâu đêm chỉ vì đam mê các game online. Thiếu ngủ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe và tinh thần của học sinh, sinh viên, ảnh hưởng đến kết quả học tập; thiếu sự riêng tư, hình thành căn bệnh vô cảm do việc hạn chế sự tương tác giữa người với người, có cảm giác không muốn giao tiếp với người lạ và từ đó các cảm xúc cũng giảm bớt dần; tiếp cận nội dung những bài báo lá cải hay những bài câu like với những nội dung nhạy cảm trong xã hội làm cho các bạn trẻ mất đi lòng tin với con người. Những điều này làm cho căn bệnh vô cảm của xã hội ngày càng tăng.[7]

Thứ tư, biểu hiện vi phạm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương

Biểu hiện vi phạm quyền con người của trẻ em

Thực tế cho thấy, trên không gian mạng đã xảy ra tình trạng vi phạm quyền con người của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó biểu hiện hành vi vi phạm quyền trẻ em là đáng báo động nhất trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Đó là tình trạng trẻ em dễ bị bắt nạt, bị xâm phạm quyền riêng tư, mất phương hướng để phát triển nhân cách do sự nhiễu loạn thông tin dẫn đến mất niềm tin vào cuộc sống dễ mắc sai lầm trong cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai.

Theo công bố Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF ngày 06/9/2019, có 170.000 người tại 30 quốc gia trả lời: Hơn một phần ba thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó một phần năm cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực; 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết (75%) đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng[8]. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Thời đại của cuộc cách mạng 4.0 (thời đại của “dữ liệu lớn” – big data) có khả năng chuyển đổi việc cung cấp các dịch vụ hiệu quả, được cá nhân hóa và đáp ứng cho trẻ em tốt hơn, nhưng cũng có tác động tiêu cực đến sự an toàn, quyền riêng tư, quyền tự chủ và lựa chọn cuộc sống trong tương lai của trẻ. Thông tin cá nhân được tạo ra trong thời thơ ấu có thể được chia sẻ với các bên thứ ba, trao đổi để kiếm lợi nhuận hoặc được sử dụng để khai thác những người trẻ tuổi – đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất. Trong khi đó, kẻ trộm danh tính và tin tặc đã khai thác lỗ hổng trong các nền tảng thương mại điện tử để lừa đảo và khai thác cả người lớn và trẻ em; công cụ tìm kiếm theo dõi hành vi của người dùng bất kể tuổi tác và sự giám sát của chính phủ đối với hoạt động trực tuyến ngày càng tinh vi trên toàn thế giới. Hơn nữa, dữ liệu thu thập trong thời thơ ấu có khả năng ảnh hưởng đến các cơ hội trong tương lai, chẳng hạn như tiếp cận tài chính, giáo dục, bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Mối quan hệ giữa thu thập và sử dụng dữ liệu, sự đồng ý và quyền riêng tư rất phức tạp đối với người lớn, nhưng đối với trẻ em thì lại đôi khi, do internet chưa bao giờ được thiết kế phù hợp với quyền và nhu cầu của trẻ em, và ít được trang bị để điều hướng tính phức tạp của việc chia sẻ dữ liệu và kiểm soát quyền riêng tư. Điều phổ biến là trẻ em không biết mình có quyền gì đối với dữ liệu của chính mình và không hiểu ý nghĩa của việc sử dụng dữ liệu này và mức độ dễ bị tổn thương do dữ liệu đem lại.

Mọi trẻ em đều có quyền tích cực tham gia vào xã hội, các con đang sống và với nhiều người, những trải nghiệm đầu tiên về các vấn đề xã hội sẽ diễn ra trên internet. Tuy nhiên, phần lớn thế hệ hiện tại sẽ lớn lên trong một môi trường bão hòa với thông tin sai lệch và ‘tin giả’ (‘fake news’). Chúng phá hủy niềm tin vào các thông lệ xã hội và nguồn thông tin chính thống. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em và thanh niên ngày nay gặp trở ngại khi phân biệt giữa sự thật và những điều hư cấu trên mạng và từ đó dẫn đến việc thế hệ ngày nay sẽ thấy khó khăn hơn để biết nên tin vào ai hay điều gì[9].

Tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng bằng hình thức khiêu dâm, dụ dỗ chat sex, cung cấp hình ảnh khiêu dâm… đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê từ UNICEF, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan lạm dụng trẻ em trên thế giới được đưa lên internet. Theo số liệu của Bộ Công an, trong 5 năm, từ 2012 – 2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Tuy nhiên, con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó mà không được thống kê[10]. Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức và bị đe dọa bởi tội phạm ấu dâm trên mạng gia tăng đột biến ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, năm 2018, Unicef đã kêu gọi các chính phủ, giáo viên, cha mẹ và mọi người ủng hộ để chấm dứt bạo lực và đảm bảo rằng học sinh cảm thấy an toàn tại trường và xung quanh trường học – bao gồm cả bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Biểu hiện vi phạm quyền con người của phụ nữ

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của phụ nữ, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội “giăng bẫy” dụ dỗ, tán tỉnh, hứa hẹn tìm việc làm để đưa phụ nữ vào bẫy, trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục, buôn bán người. Không chỉ người dân ở thành thị mà nhiều người ở vùng sâu, vùng xa cũng bị ảnh hưởng bởi những hệ lụy từ mạng xã hội. Đặc biệt là phụ nữ, những cô gái trẻ người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa do nhẹ dạ, sẵn lòng tin người nên đã trở thành nạn nhân của tội phạm mạng… Có người trở về trong nỗi đau, sự tủi hổ, nhưng vẫn còn may mắn hơn bao cô gái khác bặt vô âm tín nơi đất khách quê người. Họ bị xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của phụ nữ. Bên cạnh đó, các đối tượng đã dùng chiêu bài quà tặng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của phụ nữ.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an đã khám phá, điều tra nhiều vụ lừa đảo phụ nữ quan mạng xã hội. Điển hình như vụ: Bằng các chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội Facebook, 5 nghi phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt của một phụ nữ ở thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa với số tiền hơn 200 triệu đồng[11].

[1] https://baomoi.com/94-nguoi-dung-internet-o-viet-nam-su-dung-internet-hang-ngay/c/33283274.epi, 94% người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày, đăng ngày 11/12/2019.

 

[2] http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201806/luat-an-ninh-mang-su-can-thiet-muc-dich-y-nghia-va-noi-dung-co-ban-304109, Luật an ninh mạng: Sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa và nội dung cơ bản, đăng ngày 22-6-2018.

 

[3]https://hatinhthoibao.com/doi-dieu-ve-cach-mang-mau-truc-tuyen.html, Đôi điều về cách mạng màu trực tuyến, đăng ngày 14/3/2019.

 

 

[4] tuoitre.vn/tung-tin-that-thiet-tren-mang-phat-nghiem-20200206182005718.htm, Tung tin thất thiệt trên mạng: phạt nghiêm, đăng ngày 07/02/2020.

 

[5] https://laodong.vn/phap-luat/dua-thong-tin-sai-ve-toi-ly-son-de-nghi-bo-cong-an-vao-cuoc-782784.ldo,

Đưa thông tin sai về tỏi Lý Sơn: Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, đăng ngày 06/02/2020.

 

 

[6]https://sohuutritue.net.vn/su-canh-tranh-ko-lanh-manh-va-loi-dung-mang-xa-hoi-beu-xau-doanh-nghiep-khac-d34867.html, Sự cạnh tranh ko lành mạnh và lợi dụng mạng xã hội bêu xấu doanh nghiệp khác, đăng ngày 12/8/2018.

 

[7]http://dhktna.edu.vn/dv/khoa-co-so/nghien-cuu-khoa-hoc/bai-viet-nckh-trao-doi/tac-dong-cua-mang-xa-hoi-doi-voi-sinh-vien-hien-nay-11981.aspx, Tác động của mạng xã hội đối với sinh viên hiện nay, đăng ngày 06/11/2019.

[8]https://www.unicef.org/vietnam/vi/th%C3%B4ng-c%C3%A1o-b%C3%A1o-ch%C3%AD/k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-kh%E1%BA%A3o-s%C3%A1t-%C3%BD-ki%E1%BA%BFn-c%E1%BB%A7a-unicef-h%C6%A1n-m%E1%BB%99t-ph%E1%BA%A7n-ba-thanh-thi%E1%BA%BFu-ni%C3%AAn-%E1%BB%9F-30-qu%E1%BB%91c-gia, Kết quả khảo sát ý kiến của UNICEF: Hơn một phần ba thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, đăng ngày 06/9/2019.

 

[9]https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/8-l%C3%BD-do-t%C3%B4i-lo-l%E1%BA%AFng-v%C3%A0-hy-v%E1%BB%8Dng-v%C3%A0o-th%E1%BA%BF-h%E1%BB%87-t%C6%B0%C6%A1ng-lai, 8 lý do tôi lo lắng và hy vọng vào thế hệ tương lai, Bức thư gửi tới trẻ em thế giới của Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhân dịp kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, đăng ngày 18/9/2019.

[10] https://thanhnien.vn/gioi-tre/bao-dong-xam-hai-tre-em-qua-mang-841210.html, Báo động xâm hại trẻ em qua mạng, đăng ngày 02/6/2017.

[11]https://tuoitre.vn/lua-dao-tren-facebook-5-nghi-pham-chiem-doat-cua-mot-phu-nu-hon-200-trieu-20191117180959954.htm, Lừa đảo trên Facebook, 5 nghi phạm chiếm đoạt của một phụ nữ hơn 200 triệu, 17/11/2019 19:08

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *