Việc vận dụng các giá trị, tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong lịch sử nhân loại nhằm phát triển lý luận về quyền con người và bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam trong bối cảnh mới.
Đối với hoạt động nghiên cứu lý luận
– Phù hợp với quan điểm chung của cộng đồng quốc tế bảo vệ, thúc đẩy các giá trị mang tính phổ quát của quyền con người, có tính đến bối cảnh đặc thù về dân tộc, lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế của mỗi nước, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo vệ quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương và một số quyền mới xuất hiện được nhấn mạnh trong thời gian gần đây như quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được tiếp cận thông tin, quyền sở hữu tư nhân, quyền của nhóm song tính, đồng tính và chuyển giới; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người v.v…Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu có tính dự báo về triển vọng phát triển quyền con người, quyền công dân trên thế giới trong thời đại cách mạng thông tin 4.0.
– Nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn quá trình bảo đảm quyền con người, quyền công dân qua hơn 30 năm đổi mới, làm rõ những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân cả về nhận thức, tư tưởng cũng như thực tiễn; rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó phát triển, bổ sung quan điểm lý luận của Đảng về quyền con người và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh mới; Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật và nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
– Nghiên cứu về trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo đúng các cam kết quốc tế, thông qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan trong bộ máy nhà nước như: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, và trách nhiệm của thiết chế truyền thông, báo chí trong định hướng dư luận xã hội bảo vệ quyền và các tự do cơ bản của con người.
– Nghiên cứu hoàn thiện các thiết chế bảo vệ và giám sát việc thực hiện quyền con người, quyền công dân trong khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân. Giám sát và ngăn ngừa tình trạng vi phạm quyền con người là một nội dung quan trọng của Liên hợp quốc. Hiện nay, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu xây dựng, củng cố các cơ chế phát hiện và ngăn chặn kịp thời những vi phạm quyền con người, quyền công dân trên các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt trong tư pháp hình sự, bảo vệ quyền của người tham gia tố tụng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; nghiên cứu cơ chế khắc phục và bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về quyền con người, quyền công dân gây ra. Mặt khác, trên cơ sở các kết quả đã được nghiên cứu, cần xúc tiến thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
– Nghiên cứu việc áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền (RBA) trong xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách; trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây là phương pháp tiếp cận được Liên Hợp quốc và một số tổ chức quốc tế, khu vực thừa nhận. Việc áp dụng phương pháp này cần nắm vững các nguyên tắc và tiêu chuẩn về quyền con người, quyền công dân; tập trung xây dựng các biện pháp nâng cao năng lực của chủ thể quyền và chủ thể có nghĩa vụ thực hiện quyền trên từng lĩnh vực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong bảo đảm các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa, đặc biệt cho nhóm người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số v.v…
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu lý luận về quyền con người, quyền công dân. Theo quan điểm của UNDP, quyền con người và phát triển con người không thể được thực hiện một cách phổ biến nếu không có hành động hợp tác quốc tế tích cực hơn, đặc biệt là hỗ trợ những con người và đất nước bị thiệt thòi nhằm giảm bớt bất bình đẳng trên toàn cầu: cần thay đổi cách tiếp cận kiểu trừng phạt bằng cách tiếp cận tích cực hơn trong hỗ trợ thực hiện quyền con người[1]. Mục tiêu hiện nay là nâng cao năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách; năng lực bảo vệ và giám sát việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, nâng cao chất lượng các Báo cáo quốc gia theo cơ chế Công ước và các cơ chế của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (HRC); chủ động hơn về chiến lược trong quá trình tham gia vào một số cơ chế, thủ tục quyền con người của Liên hợp quốc, khu vực ASEAN; tích cực chủ động trong đối thoại và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người.
Đối với hoạt động giáo dục, đào tạo
– Phù hợp với trách nhiệm quốc gia theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người, giáo dục, đào tạo quyền con người ở Việt Nam cần nắm vững và vận dụng sáng tạo các mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người đã được nêu trong Chương trình thập kỷ giáo dục quyền con người của Liên hợp quốc (1995 – 2004); các giai đoạn của giáo dục quyền con người, cũng như trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về giáo dục và đào tạo quyền con người năm 2011.
Theo đó, giáo dục quyền con người phải nhằm tăng cường tôn trọng quyền con người; phát triển đầy đủ nhân cách và ý thức về nhân phẩm; tăng cường hiểu biết, khoan dung, bình đẳng giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc, các quốc gia, các nhóm xã hội; thông qua đó ngăn chặn các vi phạm và lạm dụng nhân quyền bằng cách cung cấp cho mọi người: kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cũng như xây dựng thái độ đóng góp vào việc xây dựng và thúc đẩy nền văn hóa nhân quyền toàn cầu. Giáo dục cần bao gồm đầy đủ các thành tố của giáo dục như giáo dục về quyền con người; giáo dục thông qua quyền con người và giáo dục vì quyền con người.
– Đẩy mạnh giáo dục quyền con người, quyền công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng các mục tiêu, nội dung và lộ trình được đặt ra trong Quyết định số 1309/TTg ngày 5 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cần tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng như: cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ thực thi pháp luật, sinh viên các trường đại học, học sinh các trường phổ thông từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Nội dung giáo dục cần bám sát quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người; các giá trị, tư tưởng tiến bộ về quyền con người trên thế giới; các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn.
– Chú trọng sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực, quan tâm mối quan hệ về quyền và nghĩa vụ giữa người dạy và người học; coi trọng áp dụng lý luận, phương pháp luận vào phân tích, đánh giá những vấn đề về quyền con người, quyền công dân đang đặt ra trong thực tiễn; thúc đẩy việc tôn trọng quyền con người, quyền công dân trong hoạt động quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; các chương trình, chính sách phát triển. Tuyên bố Graz về các nguyên tắc giáo dục quyền con người và an ninh con người (2003) đã khuyến nghị thực hiện các phương pháp giáo dục và học tập mới về quyền con người; gắn với giải quyết các quyền con người một cách chủ động, liên quan và lôgic, quan tâm một cách công bằng đến mọi phần và khía cạnh của khuôn khổ quyền con người[2].
– Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đào tạo nhằm cung cấp cơ hội thuận lợi cho mọi tầng lớp xã hội tiếp cận được giáo dục về quyền con người, quyền công dân. Tuyên bố Graz về các nguyên tắc giáo dục quyền con người và an ninh con người (2003) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mọi người, nam, nữ thanh niên, trẻ em đều có quyền được biết, hiểu và đòi hỏi các quyền của mình[3]. Lựa chọn các hình thức đa dạng, mô hình phù hợp để thực hiện giáo dục quyền con người trong các trường chính trị, hành chính, các trường của các tổ chức chính trị xã hội, và cho các cơ quan báo chí, truyền thông.
– Xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực và phẩm chất, có số lượng phù hợp để tham gia vào quá trình giáo dục quyền con người, quyền công dân ở các cấp học. Thực hiện sự liên kết trong giáo dục, đào tạo về quyền con người, quyền công dân giữa hệ thống trường chính trị – hành chính, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Cần quan tâm thích đáng đến chế độ học tập, điều kiện và môi trường làm việc cho họ.
– Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thông tin tư liệu đa dạng về lịch sử tư tưởng, triết học, chính trị, đạo đức, pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Hệ thống này cần được cập nhật thường xuyên, từng bước áp dụng công nghệ hiện đại, dễ tiếp cận và có chi phí phù hợp với các đối tượng đa dạng, có nhu cầu học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về quyền con người, quyền công dân.
– Coi trọng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức và phương pháp mới, cập nhật các vấn đề quyền con người trong thế giới đương đại, nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho giáo viên, giảng viên, xây dựng cơ chế thuận lợi cho học tập, tìm hiểu các mô hình giáo dục về quyền con người, quyền công dân ở một số quốc gia trên thế giới; đồng thời thúc đẩy việc dịch và xuất bản các tài liệu về quyền con người phù hợp. Bên cạnh các đối tác truyền thống ở châu Âu, cần quan tâm hơn việc hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN và một số quốc gia châu Á khác.
[1] Viện Nghiên cứu quyền con người: Tài liệu tham khảo luật quốc tế về quyền con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.386-387.
[2] Wolfgang Benedek (Chủ biên): Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008, tr.388.
[3] Wolfgang Benedek (Chủ biên): Tìm hiểu về quyền con người, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2008, tr.387.