Việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Phạm Đoan Trang là việc làm cần thiết, theo tố tụng nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm và điều tra, xử lý theo pháp luật.
Vai diễn “người bất đồng chính kiến”
Được các đối tượng phản động lưu vong tâng bốc là “nhà hoạt động dân chủ”, đấu tranh cho “tiến bộ, công bằng”, Phạm Đoan Trang rơi vào ảo giác, ngộ nhận chính khả năng, hành động của mình. Phạm Thị Đoan Trang sinh ra trong một gia đình công chức, bố mẹ hiện đều là cán bộ nghỉ hưu, các anh trai của Trang là những người đang công tác tại các cơ quan Nhà nước. Bản thân Trang cũng được ăn học đến nơi, đến chốn. Từ năm 1996-2000, Phạm Thị Đoan Trang học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ra trường với tấm bằng đại học, Trang làm phóng viên Báo điện tử Vnexpress. Năm 2002-2004 là nhân viên Công ty quảng cáo HAKI Lê; năm 2002-2006, làm nhân viên Công ty Truyền hình kỹ thuật số VTC. Đến giai đoạn 2006-2008, Trang quay lại nghề báo, cộng tác viên Báo điện tử Vietnamnet. Tháng 3/2010 đến tháng 1/2013, Phạm Thị Đoan Trang là phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, văn phòng tại Hà Nội. Đến tháng 1/2013, cô ta xuất cảnh đi Philippines không xin phép nên bị kỷ luật buộc thôi việc khỏi toà soạn này. Từ đây, Phạm Thị Đoan Trang dần bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối của số cầm đầu các tổ chức phản động lưu vong.
Sau khi trở về nước, Phạm Thị Đoan Trang đóng vai “người bất đồng chính kiến”. Được sự tài trợ, cổ xúy của thế lực có định kiến với Việt Nam trong chính giới phương Tây, các tổ chức nhân quyền cực đoan và một số đối tượng ảo tưởng chính trị ở bên ngoài, Phạm Thị Đoan Trang ngày càng dấn sâu vào hoạt động chống phá Nhà nước, là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”. Qua tài liệu cơ quan An ninh cho thấy, Phạm Thị Đoan Trang có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, VOICE. Trang tham gia tích cực từ việc hình thành mạng lưới blogger cho đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền…
Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước; các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước. Trang cùng Trịnh Hội – đối tượng cầm đầu VOICE lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”, danh nghĩa là phân tích hệ thống luật pháp các nước nhưng thực chất là tìm cách chống phá hệ thống pháp luật Việt Nam. Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động, thường trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài với nội dung xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá trong nước, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn cách thức đối phó với cơ quan An ninh như “Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ facebook xuống đường”. “Anh Ba Sàm”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”,”Học chính sách công qua chuyện luật khu”… Nội dung các cuốn sách tập trung đả phá Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải xử lý
Từ tháng 8/2018 đến nay, Phạm Thị Đoan Trang huy động các đối tượng phản động của VOICE ở trong nước thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do” nhằm xuất bản các đầu sách “nâng cao dân trí” cho giới Dân chủ Việt. Với sự tài trợ của VOICE, Trang cùng đám đàn em trong nhóm “Green Trees” gồm Cao Vĩnh Thịnh, Nguyễn Trường Thịnh, Trần Vũ Anh Bình, Hoàng Thành Nhân, Đặng Vũ Lượng, Nguyễn Đình Hà tổ chức in lậu hàng ngàn cuốn sách, tán phát trong và ngoài nước. Thủ đoạn phát tán sách độc hại của Phạm Thị Đoan Trang là chuyển tài liệu qua email cho các tổ chức phản động ở nước ngoài chế bản, lên market, sau đó chuyển lại cho đối tượng trong nước để in lậu, phát tán (chủ yếu qua không gian mạng). Các đối tượng như: Nguyễn Duy Tân, Đặng Hữu Nam, mẹ con Cấn Thị Thêu… trở thành đầu mối tích cực tiêu thụ và rao bán sách cho Trang.
Với những hoạt động chống phá quyết liệt như trên, Phạm Thị Đoan Trang là một trong những đối tượng được các thế lực thù địch bên ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ. Năm 2017, tổ chức NGO PIN của Cộng hoà Séc – là một tổ chức luôn có cái nhìn thù địch với Việt Nam – đã công khai trao tặng đối tượng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini. Năm 2019, lại được Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đề cử giải thưởng tự do báo chí… Được tâng bốc, nhận những “giải thưởng” như thế, Trang ngày càng tự huyễn hoặc, ảo tưởng về bản thân mình, cho rằng hoạt động của thị là quan trọng, có “tầm quốc tế”. Thậm chí khi đã nổi danh ngược, Trang cho rằng đó là những lớp áo đủ mạnh để khiến chính quyền không thể “đụng” đến cô ta. Điều này lý giải vì sao sau khi đối tượng bị bắt tạm giam, những tổ chức quốc tế mang danh “dân chủ, nhân quyền” nói trên đã đồng loạt đưa ra yêu sách, phản ứng đòi “trả tự do ngay lập tức” cho bị can.
Trong vụ án này, chúng ta thấy rằng, bị can xuất thân trong gia đình có nề nếp, bố mẹ là công chức Nhà nước, bản thân cô ta cũng được gia đình tạo điều kiện ăn học trường chuyên lớp chọn, rồi học đại học, được rèn luyện tại nhiều công ty, cơ quan báo chí. Lẽ ra, trong môi trường đó, Trang phải có nhận thức đầy đủ để biết hành động gì, làm gì cho bản thân và xã hội. Thế nhưng, trong thời gian làm báo, tiếp xúc với một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, Trang đã dần đánh rơi chính mình. Bắt được thóp, những tổ chức như VOICE đã câu nhử bằng những “miếng mồi” lợi ích khiến cô ta loá mắt, bị dụ lạc ngày càng sâu. Sau khi có hành vi vi phạm kỷ luật buộc thôi việc, cô ta bật hẳn về phía chống đối, nhận lấy lợi ích vật chất để nuôi sống bản thân, ngày càng dấn sâu vào tội lỗi. Do đó, việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với Phạm Đoan Trang là việc làm cần thiết, theo tố tụng nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm và điều tra, xử lý theo pháp luật. Với hành vi chống phá Nhà nước, gây nguy hiểm cho xã hội, tại Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, hành vi đó đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hoàn toàn không có chuyện bắt, xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật lại bị coi là đàn áp người “bất đồng chính kiến”, “người hoạt động nhân quyền” như những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động tung ra.