Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt gần 1 thế kỷ dân tộc Việt Nam chịu muôn vàn cơ cực dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân và phong kiến tay sai.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn một câu trong trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và nhắc đến bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp năm 1791. Không chỉ dừng lại ở đó mà Người đã phát triển, nâng lên cái ý cốt lõi, nguyên tắc cơ bản của hai bản Tuyên ngôn của Pháp và Mỹ.
Bản Tuyên ngôn 1776 của Mỹ nói: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ quyền cá nhân mỗi con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng, nêu quyền của dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và Người đã nắm chắc mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc. Dân tộc không độc lập thì cũng không có quyền con người. Trong những nước thuộc địa thì điều này đã quá rõ ràng. Và nguyên tắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên thì đã được xác nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và trong Tuyên ngôn về các quyền con người được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1948. Sự đóng góp của bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 của Việt Nam vào lý luận quyền con người gắn với quyền dân tộc là rất quan trọng.
Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập bằng cách trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Mỹ, Pháp?
Thời điểm năm 1945, các nước trên thế giới hầu như không biết có nước Việt Nam, cho nên nếu ta đưa ra một bản Tuyên ngôn với lập luận của ta thì tác dụng gửi thông điệp đến với cộng đồng quốc tế có thể sẽ bị hạn chế, vậy nên trong Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi trích dẫn hai bản Tuyên ngôn Pháp, Mỹ thì đã khẳng định lại bằng câu: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Phần tiếp theo của bản Tuyên ngôn là chứng minh nguyên lí đã nêu, tất cả đều được bản Tuyên ngôn nêu lên bằng một hệ thống lập luận hết sức chặt chẽ và đanh thép, với những sự thật rõ ràng “không ai chối cãi được”. Chính thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Những tội ác của thực dân Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chính là sự nối tiếp đấu tranh kiên trì từ “yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây năm 1919 để đòi tự do, độc lập cho dân tộc, tiếp là những bài viết trên báo “Người cùng Khổ”, “Nhân đạo” và nhiều báo khác của Người. Và đặc biệt là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” đã chuẩn bị cho phần quan trọng thứ hai của bản Tuyên ngôn độc lập. Những tội ác của Pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra với những dẫn chứng thực tế, có chọn lọc cùng lập luận chặt chẽ. Tuyên ngôn Độc lập là bản cáo trạng hùng hồn đanh thép hiếm thấy trong lịch sử đấu tranh dân tộc cũng như thế giới.
Tuyên ngôn độc lập chứng minh tính pháp lý quốc tế của việc nhân dân ta nắm quyền. Pháp đã đầu hàng Nhật 2 lần (mùa thu năm 1940 và ngày 9/3/1945) “trong năm năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”. Trong lúc đó nhân dân Việt Nam đã dũng cảm đứng về phía Đồng minh đấu tranh chống phát xít.
“Sự thực là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành nước thuộc địa của Nhật-khi Nhật đầu hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sự thực là dân ta đã lấy lại được nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.
Lập luận tuyên ngôn rất chặt chẽ, mạch văn khúc chiết. Và tiếp đó là lời tuyên bố độc lập: “Bởi thế cho nên chúng tôi- Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Và sau cùng là lời tuyên bố trịnh trọng với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đã 74 năm từ ngày bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình trước toàn thế đồng bào. Tiếp sau Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một bản hùng văn của dân tộc, vừa hào khí tưng bừng, vừa lập luận chặt chẽ, vừa đanh thép về pháp lý quốc tế, vừa nung nấu tình cảm của dân tộc nồng nàn, vừa kế thừa khí phách của cha ông, vừa thâu tóm được tinh thần thời đại.
Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện được tinh thần: Không có gì quý hơn độc lập tự do – tư tưởng khái quát của cả phong trào giải phóng dân tộc thế kỷ XX trên toàn thế giới. Thông qua lời tuyên bố đanh thép đó cũng đã khẳng định chủ quyền của đất nước, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước của con người Việt Nam; là truyền thống hào hùng cho nhân dân ta dựng nước và giữ nước.
Chiếu đến giá trị nhân quyền mà thế giới phương Tây đang cổ súy, thì rõ ràng, quyền sống, quyền tự do độc lập của một dân tộc là thiêng liêng nhất. Có được quyền này, chúng ta mới có thể mưu cầu và hiện thực hóa các quyền con người khác. Nhìn sang nhiều dân tộc khác chưa có được độc lập, tự do trọn vẹn, như các quốc gia Châu Phi vẫn đang bị “xiềng xích” gắn vào hiệp ước chịu sự ràng buộc, phục tùng với Pháp mới hiểu hết giá trị của độc lập, tự do ta đang có được.
Bởi vậy, thật đáng sợ khi đâu đó vẫn có những kẻ nhân danh “đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam” nhưng bày tỏ tiếc nuối vì “dân tộc Việt đã đi đánh đuổi những nền văn minh lớn” hay mong ngóng được Mỹ, Âu can thiệp, đưa Việt Nam trở lại thời Việt Nam Cộng hòa thật đáng sợ cho sự méo mó, bệnh hoạn nhân danh “dân chủ, nhân quyền”!
Khánh Chi