Phía sau cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày trên đảo là sự quan tâm của Đảng, nhà nước; là sự tận tâm cống hiến, hết lòng phụng sự của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tôi đi lên boong tàu ngắm nhìn biển, lúc Thiếu tướng Bùi Quốc Oai – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam – cũng đang thả hồn vào biển cả mênh mông. Tướng Bùi Quốc Oai hỏi: “Nhà văn có cảm nghĩ gì khi đứng trước biển?”. Tôi bảo, biển mênh mông quá, đẹp quá. Đất nước mình có cả biển trải dài từ Bắc chí Nam. Vươn ra biển khơi để dân giàu nước mạnh đang là xu thế của thế giới. Biển Việt Nam tiềm năng rất to lớn, dầu khí, hải sản, giao thương quốc tế, đặc biệt là du lịch. Mà muốn làm giàu được thì biển phải bình yên. Tướng Bùi Quốc Oai cho rằng chính vì vậy mà Đảng và nhà nước rất quan tâm đến bảo vệ chủ quyền biển đảo, đến lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Biển mênh mông là thế nhưng không phải lúc nào biển cũng được bình yên. Đó là những lúc giông bão, biển gầm lên dữ dội nhưng những con tàu tuần tra, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn kiên cường thực thi nhiệm vụ. Thượng tá Trần Nguyên Lai, Trưởng Phòng Tác chiến – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, kể rằng khi còn làm thuyền trưởng con tàu Cảnh sát biển 2002, anh đã cùng đồng đội cứu nạn thành công tàu cá 91501 của ngư dân Cà Mau gặp nạn trong bão, trôi dạt trên biển. Sau hơn 20 giờ tìm kiếm, tàu của anh mới tiếp cận được con tàu bị nạn nhưng do sóng to, gió giật mạnh nên việc cứu hộ gặp trở ngại. Sau khi hội ý nhanh, thuyền trưởng Lai cho quăng dây sang tàu bị nạn, bảo ngư dân buộc chặt rồi cho các chiến sĩ bám dây bơi sang, mang theo nước uống, thức ăn sang tiếp tế cùng máy bơm để hút nước cứu tàu. Sau đó, 16 ngư dân được đưa sang tàu Cảnh sát biển 2002, chỉ còn lại 1 người là thuyền trưởng Sơn. Con tàu 91501 bị sóng đánh bục ở đáy tàu, việc bơm nước, chống nước biển tràn vào hết sức khó khăn. Thuyền trưởng Lai nhận được lệnh của chỉ huy Vùng phải bỏ lại tàu bị nạn. Lúc này, thuyền trưởng Sơn của con tàu bị nạn tháo nhẫn vàng, đồng hồ trao cho thuyền trưởng Trần Nguyên Lai, chan chan nước mắt: “Con tàu là cả gia tài của nhà tôi, nay để nó chìm, chúng tôi biết lấy gì sinh sống. Tôi xin ở lại với nó”.
Thuyền trưởng Lai xin trì hoãn để tìm biện pháp cứu vớt. Các chiến sĩ cảnh sát biển lấy vải bạt, lưới trên tàu mình để cho các ngư dân khỏe, có kinh nghiệm lặn xuống luồn tấm bạt rồi dùng lưới bó chỗ đáy tàu bị thủng. Cuối cùng đã ngăn được nước vào và lai dắt con tàu bị nạn cùng 17 ngư dân vào đảo Thổ Chu an toàn trong niềm vui sướng.
Tác giả (bìa phải) với tàu Cảnh sát biển 8003 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 1
Biển dậy sóng bởi bão tố đã nguy hiểm nhưng biển “dậy sóng” bởi con người còn nguy hiểm hơn. Đó là sự xâm chiếm của tàu nước ngoài, của bọn buôn lậu, buôn ma túy và cướp biển. Chúng có vũ khí, rất hung hăng, sẵn sàng đâm húc, nổ súng bắn chìm tàu, chết người. Ngày 29-6-2020, qua trinh sát theo dõi, Phòng Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Cục Nghiệp vụ và Pháp luật – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp với Phòng 6 thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt giữ 3 nghi phạm đang vận chuyển trái phép 54 bánh heroin. Rất nhiều chiến công được lực lượng Cảnh sát biển phối hợp tác chiến, thực hiện như thế trên khắp các vùng biển của Tổ quốc.
2. Sau hành trình 6 giờ, vượt qua hơn 130 km, con tàu Cảnh sát biển 8003 ra đến đảo Bạch Long Vỹ. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường mới ngoài 40 tuổi, trẻ trung, năng động, đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ như gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Điểm đầu tiên mà anh đưa chúng tôi đến chính là Đài tưởng niệm liệt sĩ, ghi công các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ hòn đảo thiêng liêng này. Có những liệt sĩ còn rất trẻ, tuổi đời chỉ 18, đã gửi lại tuổi xuân mãi mãi nơi đây.
So với những ngày đầu ra đảo, khó khăn trăm bề, không có điện, thiếu nước ngọt thì nay, Bạch Long Vỹ đã có điện mặt trời, máy phát điện chạy dầu diesel, có 2 giếng nước và một hồ chứa nước ngọt dung tích 21.000 m3 nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Những tháng khô hạn, nước ngọt khan hiếm, phải cho tàu vào đất liền lấy nước ngọt. Phương tiện đi lại cũng khó khăn, tàu chở hàng đi mất 20 giờ, tàu khách cũng mất gần chục giờ. Hiện nay, huyện Bạch Long Vỹ được đầu tư một con tàu Hoa Phượng Đỏ, mỗi tháng 3 lần chở quân, dân miễn phí vào đất liền và ra đảo. Nhà nước và TP Hải Phòng cũng đang đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt dung tích 60.000 m3; hai âu cảng cho tàu thuyền neo đậu, trong đó 1 âu cảng ở phía Tây Nam rộng 28 ha, chứa được 300 tàu và 1 âu cảng ở phía Tây Bắc, rộng 20 ha, chứa khoảng 200 tàu.
Đêm, trên Trạm Hải đăng Bạch Long Vỹ rực sáng ánh đèn. Trạm được xây dựng từ năm 1994, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia và hướng dẫn tàu thuyền qua lại tuyệt đối an toàn. 21 năm gắn bó với nhà đèn, trạm trưởng Đồng Văn Cường là người chứng kiến những đổi thay trên Bạch Long Vỹ.
Ở đó, tình quân dân keo sơn gắn bó. Phía sau cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày trên đảo là sự quan tâm của Đảng, nhà nước; là sự tận tâm cống hiến, hết lòng phụng sự của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Trong chuyến đi ra đảo Bạch Long Vỹ của đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam lần này, ngoài thăm và tặng quà cho các cơ quan, đơn vị dân sự, quân sự, gia đình ngư dân khó khăn, học sinh nghèo học giỏi, 400 tờ rơi về Luật Cảnh sát biển, 200 túi thuốc, tổng trị giá 225 triệu đồng thì còn có một hoạt động rất có ý nghĩa khác là trao 200 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Động. Khi được hỏi về chương trình này, nhiều chiến sĩ tàu 8003 nói rằng đó là một sáng kiến rất có ý nghĩa, tô thắm tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong các tầng lớp nhân dân.