Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11759

Truy tìm nguồn gốc vi rút gây dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

Ngay sau khi có thông tin nguồn lây Covid-19 tại Đà Nẵng xuất phát từ nước ngoài, các nhà khoa học Việt Nam đang khẩn trương truy tìm nguồn gốc chủng vi rút này.

Thông tin về vi rút trên các bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Đà Nẵng, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), cho hay: “Đối với chủng mới chúng ta vừa xác định được ở BN Covid-19 tại Đà Nẵng có đột biến gien, đột biến này cho thấy vi rút có khả năng lây lan mạnh hơn”.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người từ Đà Nẵng về ĐBSCL qua sân bay Cần Thơ /// Ảnh: Đình Tuyển

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người từ Đà Nẵng về ĐBSCL qua sân bay Cần Thơ
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

“Nhiều khả năng từ người nhập cảnh trái phép”

Viện trưởng NIHE xác nhận, chủng vi rút trên BN tại Đà Nẵng là chủng thứ 6 phân lập được tại Việt Nam từ đầu dịch. “Sau khi giải trình tự gien và so sánh với các số liệu trên ngân hàng gien quốc tế cho thấy vi rút phân lập trên BN tại Đà Nẵng giống với một số chủng lưu hành ở Bangladesh và một số quốc gia khác, ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7. Tuy nhiên, chúng tôi không khẳng định chủng này xuất phát từ Bangladesh mà chỉ nói là giống. Nguồn gốc chủng này từ đâu ra, chúng ta chưa xác định được. Nhưng có lẽ bắt nguồn từ những người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, theo con đường không chính thống. Do đó, chúng ta chưa xác định được nguồn lây’’, GS Đặng Đức Anh nói.

Truy tìm nguồn gốc vi rút gây dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

Canh giữ nghiêm ngặt các chốt cách ly tại Đà Nẵng. ẢNH: HOÀNG SƠN

Đang nghiên cứu về độc lực của SARS-CoV-2

Theo GS Đặng Đức Anh, trước đó các nhà khoa học của NIHE xác định được 5 chủng SARS-CoV-2 khác. Đầu tiên là chủng vi rút từ Vũ Hán (Trung Quốc), trên các BN từ những ca đầu tiên từ Trung Quốc về, từng gây ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc). Sau đó, ghi nhận các chủng có khác nhau một chút, có đột biến, nguồn gốc từ châu Âu, trên các BN từ châu Âu về. “Chủng phân lập được gần đây nhất không có bằng chứng về biến đổi độc lực (diễn biến lâm sàng) trên các BN. Hiện chúng ta cũng có các BN nặng, BN nhẹ nhưng trên các mẫu chủng vi rút thì hiện chưa khẳng định về biến đổi độc lực của SARS-CoV-2”, GS Đức Anh cho biết.

Lý giải về việc các ca mắc Covid-19 nhập cảnh từ Nga hầu hết không có biểu hiện bệnh, trong khi các ca mắc về từ Bangladesh hồi đầu tháng 7 vừa qua có biểu hiện lâm sàng rõ, một số có diễn biến bệnh nặng, GS Đặng Đức Anh cho hay: “Chúng tôi đang có kế hoạch giải trình tự gien các chủng ở nhóm BN dương tính SARS-CoV-2 được cách ly ở Thanh Hóa (BN về từ Bangladesh – PV). Sau giải trình tự gien xong, chúng ta sẽ có so sánh những BN ở Thanh Hóa với những BN ở Đà Nẵng. Có thể sẽ có thông tin cụ thể hơn’’.

Liên quan BN 416 (57 tuổi) tại Đà Nẵng, nhập viện có diễn biến nặng, GS Đặng Đức Anh cho rằng: “BN này nhập viện do có sốt, khó thở, theo như chẩn đoán tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng là tình trạng tương đối nặng. Nhưng bệnh nặng có thể trùng hợp, không hoàn toàn do SARS-CoV-2 và hiện cũng chưa xác định được thời điểm BN đó nhiễm SARS-CoV-2”.

Xét nghiệm 10.000 người để đánh giá dịch tễ

Theo NIHE, tại Đà Nẵng, cơ quan này cũng hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc, trước tiên xét nghiệm các nhân viên y tế tại 3 BV (BV C Đà Nẵng, BV đa khoa Đà Nẵng và BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) đang phong tỏa với khoảng 2.200 mẫu. Việc lấy mẫu sau đó mở rộng trong cộng đồng dân cư tại khu vực BN 416 sinh sống; khu vực cộng đồng dân cư tại Q.Ngũ Hành Sơn vì có liên quan đến nhà hàng, quán ăn của nhiều người nước ngoài.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cũng dự kiến xét nghiệm tất cả những người nước ngoài tại Đà Nẵng mà tiếp cận lấy mẫu được; những cán bộ ở những khu cách ly tập trung; những người có thể liên quan tiếp xúc với người nước ngoài như lái xe, nhân viên khách sạn, nhà hàng; nhân viên sân bay; các phòng khám đa khoa tư nhân, các khoa hồi sức cấp cứu tại một số BV trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Lấy mẫu xét nghiệm cũng triển khai với dân cư tại các quận Hải Châu, Sơn Trà của TP.Đà Nẵng. Số lượng xét nghiệm sẽ khoảng 10.000 người.

“Qua xét nghiệm sàng lọc ban đầu tại Đà Nẵng, đã có ca dương tính trong số được lấy mẫu, không bao gồm 11 BN Covid-19 đã được công bố chiều 27.7. Các ca dương tính đó sẽ được công bố sau khi thực hiện xét nghiệm PCR”, GS Đức Anh cho biết.
Về tỷ lệ lây nhiễm của các ca bệnh Covid-19, một chuyên gia của NIHE cho hay đang tiếp tục lấy mẫu, sau đó mới có thể xác định được hệ số lây nhiễm đối với các BN ghi nhận gần đây tại Đà Nẵng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới từ đầu dịch, hệ số lây nhiễm là 2,2, nghĩa là 1 BN khi được phát hiện thì đã có thể 2,2 người khác nhiễm bệnh, trong chu kỳ 5 ngày. Với Đà Nẵng, sau khi có kết quả xét nghiệm trên diện rộng, sẽ đánh giá được mức độ dịch trong cộng đồng.

Liên Châu

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *