Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
6086

Trung Quốc đáp trả cáo buộc từ Canada về vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng

Vào Ngày Nhân quyền quốc tế vừa qua, chính phủ Canada Justin Trudeau đã ra thống cáo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì đã vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng. Ngay lập tức, Trung Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp đối phó đối với hai tổ chức Canada cũng như 20 nhân sự từ các tổ chức này theo Luật chống trừng phạt của nước ngoài. Quyết định có hiệu lực vào ngày 21 tháng 12 năm 2024. Đồng thười, đẩy mạnh truyền thông lên án, phê phán các cáo buộc của Canada, tiêu biểu như bài “Canada nên tập trung vào các vấn đề nhân quyền của riêng mình” bác bỏ các cáo buộc từ Canada về cái gọi là vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, coi đây là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch; nhấn mạnh rằng những tuyên bố của Canada về các trại giam và vi phạm nhân quyền tại Tây Tạng là vô căn cứ và thiếu bằng chứng; chỉ trích lại tình trạng nhân quyền của Canada.

Cụ thể:

(1) Trung Quốc chỉ ra lịch sử và thực tại vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Canada, đặc biệt liên quan đến:

    • Trường nội trú dành cho trẻ em bản địa: Hơn 150.000 trẻ em bản địa bị buộc phải theo học, trong đó có khoảng 6.000 trẻ tử vong. Những trẻ em này bị ngược đãi, cấm sử dụng ngôn ngữ và văn hóa bản địa, thậm chí bị lạm dụng tình dục.
    • Cuộc điều tra về phụ nữ và trẻ em gái bản địa mất tích và bị sát hại: Báo cáo năm 2019 kết luận đây là một cuộc “diệt chủng”, nhưng chính phủ Canada không có hành động cụ thể.
    • Ô nhiễm môi trường tại Grassy Narrows: Thảm họa ô nhiễm thủy ngân kéo dài ba thế hệ ở cộng đồng bản địa này vẫn chưa được giải quyết.

(2) So sánh với tình hình ở Trung Quốc, Trung Quốc phản bác rằng các trường nội trú ở Tây Tạng mà Canada chỉ trích lại cung cấp điều kiện sống và giáo dục tốt hơn, trái ngược với tình trạng ở Grassy Narrows và các khu vực bản địa Canada. Chuyến thăm thực tế tại Tây Tạng và Thanh Hải cho thấy môi trường sống và cơ sở vật chất giáo dục tốt, trái ngược với cáo buộc của Canada.

(3) Trung Quốc kêu gọi Canada nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề nhân quyền của chính mình thay vì dựng lên các cáo buộc đối với Trung Quốc. Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc xây dựng quan hệ kinh tế với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích lớn hơn cho Canada, thay vì tuân theo chính sách của Mỹ nhằm “kiềm chế Trung Quốc”. Trung Quốc xem hành động của Canada là sự can thiệp không cần thiết vào công việc nội bộ của nước khác, phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ hơn là nhân quyền thực sự.

Bài viết này là một ví dụ điển hình cho cách Trung Quốc sử dụng các tranh luận lịch sử và hiện tại để phản bác những cáo buộc từ phương Tây, đồng thời làm nổi bật các vấn đề nhân quyền chưa được giải quyết tại các nước chỉ trích Trung Quốc.

Lâu nay, Mỹ và phương Tây đưa ra hàng loạt cáo buộc nhân quyền đối với Trung Quốc liên quan đến Tân Cương và Tây Tạng.

Liên quan đến Tân Cương, họ cáo buộc Trung Quốc “Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số”, cáo buộc Trung Quốc tiến hành một chiến dịch đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo, thiết lập các “trại cải tạo” tại Tân Cương, nơi hàng triệu người bị giam giữ trái phép và buộc phải chịu “tẩy não chính trị” và cố gắng xóa bỏ bản sắc văn hóa và tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ thông qua việc cấm các hoạt động tôn giáo, kiểm soát sinh sản cưỡng bức, và phá hủy các di tích Hồi giáo.

Liên quan đến Tây Tạng, các cáo buộc tập trung vào lên án Trung Quốc can thiệp vào tự do tôn giáo của người Tây Tạng, bao gồm việc hạn chế các hoạt động Phật giáo, chọn Đức Dalai Lama mà không thông qua quy trình tôn giáo truyền thống, và kiểm soát các tu viện; thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa người Tây Tạng bằng cách hạn chế sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng trong trường học và khuyến khích di dân người Hán vào khu vực Tây Tạng, lên án các trường nội trú ở Tây Tạng là công cụ để “tẩy não trẻ em Tây Tạng” và ngăn cản họ học tập văn hóa truyền thống.

Mỹ, EU, Canada, và Anh đã áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với các quan chức Trung Quốc được cho là liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng. Ví dụ, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức như Chen Quanguo, Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, và các tổ chức như Bộ Công an Tân Cương. Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act – UFLPA) của Mỹ cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Tân Cương, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng sản phẩm của họ không liên quan đến lao động cưỡng bức. EU cũng áp đặt các biện pháp hạn chế tương tự đối với các mặt hàng từ Tân Cương. Mỹ đưa nhiều công ty Trung Quốc vào Danh sách thực thể (Entity List), cấm các công ty này tiếp cận công nghệ và linh kiện của Mỹ. Một số công ty như Hikvision, Dahua, và SenseTime bị cáo buộc cung cấp công nghệ giám sát để hỗ trợ chính sách đàn áp ở Tân Cương. Các quốc gia phương Tây đã cùng nhau kêu gọi điều tra quốc tế độc lập về tình hình nhân quyền ở Tân Cương. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada, Anh và Úc, đã tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 để phản đối vấn đề nhân quyền.Cùng với đó, Phương Tây cung cấp hỗ trợ cho cộng đồng lưu vong người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng, bao gồm các tổ chức như World Uyghur CongressCentral Tibetan Administration (Chính phủ Tây Tạng lưu vong). Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng (Tibet Policy and Support Act) để tăng cường áp lực lên Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Tây Tạng.

Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc, gọi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ và là một phần của chiến dịch nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Bắc Kinh khẳng định các chính sách tại Tân Cương và Tây Tạng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và chống khủng bố. Những cáo buộc và biện pháp trừng phạt này đã trở thành điểm nóng trong căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây, đồng thời là một phần trong cuộc cạnh tranh địa chính trị lớn hơn.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *