Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
39572

Trò hề ca tụng, thổi phồng nền giáo dục VNCH!

Những ngày gần đây, dư luận Việt Nam đang xôn xao về một vụ việc xảy ra ở Tuyên Quang, trong đó một nhóm học sinh đã dồn cô giáo dạy nhạc vào góc tường, xúc phạm và tấn công bằng dép khi hai bên xảy ra tranh cãi. Nhân đó, các nhóm phá đất nước ở hải ngoại đã tua lại một điệp khúc tuyên truyền quen thuộc của họ, theo đó chế độ VNCH cũ có nền giáo dục vận hành tốt và giàu giá trị cao đẹp hơn hẳn giáo dục Việt Nam hiện nay. Điều buồn cười là chứng minh luận điểm đó, họ đã không đưa ra số liệu cụ thể, mà chỉ viện đến những chuyện kể cá nhân sến súa của vài nhân vật cờ vàng đã quá tuổi về hưu. Một ví dụ tiêu biểu là bài viết được đăng trên fanpage của Việt Tân hôm 07/12, trong đó tác giả hồi tưởng thời mình được uống sữa Foremost miễn phí khi đi học dưới chế độ VNCH cũ.

Bằng lối kể dài dòng và có phần lãng mạn hoá, người viết thuật lại trải nghiệm của mình về chương trình phát sữa Foremost miễn phí dành cho học sinh tiểu học những năm thập niên 1960-1970 để chống còi xương và tăng cường thể trạng, thể chất cho trẻ em. Theo đó, trẻ em đi học dưới chế độ VNCH bị ép uống sữa Foremost hằng ngày, uống nhiều đến “kinh hoàng”, “ngán gần chết”, toàn “bỏ mứa”… Cuối bài, người viết ca ngợi “thời trẻ thơ đi học được phát bánh mì và uống sữa miễn phí”, và tỏ lòng thương hại cho trẻ em hiện nay vì không được hưởng đặc ân của chế độ VNCH như ông ta. Đọc bài viết, những người có chút hiểu biết về nhân quyền chắc không khỏi thấy buồn cười, vì  nếu hành động bắt ép học sinh uống sữa “có vị lờ lợ” như của cô giáo trong bài diễn ra ở một nước phương Tây, có thể bị kiện như một vụ bạo hành trẻ em, đồng thời gây nghi vấn về chất lượng cũng như hạn sử dụng của sữa. Và hành động đó không hề cho thấy VNCH có một hệ thống giáo dục tôn trọng các giá trị dân chủ, tự do. Sau cùng, bài viết này cũng cho thấy giới cờ vàng quá xa rời với tình hình thực tế ở Việt Nam, và không biết rằng các chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tiểu học đã diễn ra ở trong nước từ năm này qua năm khác.

Vậy chế độ VNCH có một nền giáo dục tốt đẹp như các nhà cờ vàng mô tả không? Trước hết, giáo dục không phải là ưu tiên của chế độ này: nó dành trên 40% ngân sách quốc gia dành cho quốc phòng, khoảng 13% cho nội vụ, chỉ khoảng 7–7,5% cho giáo dục. Hệ thống giáo dục VNCH thực hiện phổ cập tiểu học, mọi trẻ em đến 6 tuổi đều có quyền đăng ký đi học tại trường công. Tuy nhiên từ cấp 2 trở đi thì không được phổ cập giáo dục. Học sinh tới lớp 5 (lớp cuối cùng của cấp tiểu học) sẽ phải trải qua một loạt các kỳ thi được đề ra với tỷ lệ đánh trượt cao ở từng giai đoạn tiếp theo. Nam giới thi hỏng Tú tài I phải trình diện nhập ngũ quân đội và đi quân dịch. Do số thí sinh bị đánh trượt cao, học sinh thời VNCH phải chịu áp lực rất lớn về thi cử nên phải học tập rất vất vả, và chỉ khoảng 24% tổng số thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18 là được đi học. Đây là con số thấp hơn hẳn so với Việt Nam hiện tại, nơi chính phủ có chính sách phổ cập giáo dục đến cấp THCS.

Nhưng chính sách phổ cập giáo dục tiểu học của chế độ VNCH có thật sự được thực hiện nghiêm túc hay không? Hệ thống trường học ở miền Nam thời đó rất mất cân đối về cơ cấu và thiếu hụt về số lượng, chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 – 1971, riêng vùng Sài Gòn – Gia Định đã chiếm 13% trường tiểu học) và 24 % (trường trung học), sự mất cân đối này cho thấy khẩu hiệu “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” là không thể thực hiện được. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”. Tới năm 1974, tỷ lệ người dân biết đọc và viết của VNCH ước tính vào khoảng 70% dân số, 30% còn lại vẫn mù chữ.

Nói cách khác, trong 20 năm tồn tại, VNCH chưa thanh toán xong nạn mù chữ, trong khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thanh toán xong nạn mù chữ ở đồng bằng và trung du miền Bắc ngay từ năm 1958. Sau năm 1975, chế độ VNCH sụp đổ, trước tình trạng nhiều người dân miền Nam vẫn bị mù chữ, chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách Bình dân học vụ và đến cuối tháng 2 năm 1978, toàn bộ 21 tỉnh thành ở miền Nam mới cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ.

VNCH có thật sự có một nền giáo dục tự do, khai phóng, tôn trọng sự khác biệt và lựa chọn của người học hay không? Theo tác giả Nguyễn Văn Trung, nền giáo dục dưới thời Ngô Đình Diệm bị xem là thiên vị Công giáo. Ngô Đình Diệm dành cho Giáo hội Công giáo quyền chi phối các trường của giáo hội về mặt tinh thần, cốt bảo đảm thực hiện được nội dung giáo dục “Duy linh” mà thực chất là nội dung thần học theo lối triết học kinh viện thời Trung cổ. Phần lớn các học bổng đi học nước ngoài đều rơi vào tay các linh mục hoặc sinh viên gia đình Công giáo.

Cái gì nói lên bản chất của nền giáo dục Việt Nam Cộng hoà – tỉ lệ mù chữ và mức độ tự do tư tưởng, hay việc học sinh được ép uống sữa để chống còi xương? Mỗi lần viết về giáo dục, các trang truyền thông cờ vàng lại cho thấy họ là một thứ báo lá cải, vừa không nắm được hiện trạng của Việt Nam, vừa đưa tin một cách tô hồng về quá khứ.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *