Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
3649

Triệu tấm lòng hướng về đồng bào vùng thiên tai

Trận bão lũ lịch sử những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân miền Bắc. Trước những khó khăn này, nhân dân các tỉnh miền Nam và miền Trung đã nhanh chóng phát động nhiều hoạt động cứu trợ thiết thực với tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”. Nhiều địa phương đã gói bánh chưng, quyên góp mì tôm, nước sạch, thuốc men, áo phao… để giúp đồng bào miền Bắc vượt qua khó khăn.Tại Thanh Hóa, ngày 10/9, người dân làng Ngọc Chẩm (xã Thăng Long, huyện Nông Cống) đã quyên góp, ủng hộ kinh phí, gói 700 chiếc bánh chưng cùng hàng trăm thùng mì tôm, sữa để chuyển tới bà con vùng lũ tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Dự kiến số hàng cứu trợ sẽ được vận chuyển vào chiều 11/9.

Ở Nghệ An, nhiều địa phương cũng tích cực hưởng ứng phong trào cứu trợ. Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương), cho biết xã đã phát động người dân gói 900 chiếc bánh chưng và quyên góp các nhu yếu phẩm để gửi đến Ban Cứu trợ tỉnh. Công tác nấu bánh được tổ chức chặt chẽ để bảo đảm bánh giữ được chất lượng trong suốt quá trình vận chuyển.

Người dân huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đóng gói cá khô ủng hộ người dân vùng lũ.

Tại Hà Tĩnh, đoàn xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) đã phát động các chi đoàn thu gom hải sản khô như cá, mực để gửi tới đồng bào các tỉnh miền Bắc. Những món quà này không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn dễ bảo quản trong điều kiện khó khăn. Đoàn viên xã cũng kêu gọi quyên góp tiền mặt để hỗ trợ thêm.

Ngoài ra, tại Quảng Bình, một nhóm tình nguyện viên tại huyện Lệ Thủy gồm thanh niên các làng biển, giỏi bơi lội, có nhiều kinh nghiệm cứu hộ trên sông nước cùng 4 thuyền đánh cá loại nhỏ đã lên đường để hỗ trợ người dân Thái Nguyên. Đáng chú ý, nhiều nhà xe tại Quảng Bình đã miễn phí vé cho các tình nguyện viên và hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ ra miền Bắc.

Người Đà Nẵng xuyên đêm gói bánh chưng gửi ra vùng lũ phía Bắc.

Tại Đà Nẵng, người dân cũng nhanh chóng gói bánh chưng để gửi đi hỗ trợ. Tại quận Ngũ Hành Sơn, anh Lê Thành Long cùng nhóm tình nguyện viên đã nấu và đóng gói 1.000 chiếc bánh chưng để chuyển tới bà con miền Bắc. Dự kiến, bánh sẽ được vận chuyển vào chiều 11/9, với toàn bộ chi phí do các nhà tài trợ và người dân tự nguyện đóng góp.

Từ miền Nam, những hoạt động cứu trợ cũng diễn ra sôi nổi. Anh Hoàng Anh Tuấn, người sáng lập mô hình ATM gạo, cho biết đã gửi 1.000 áo phao cùng thuyền máy đến Thành đoàn Hà Nội để chuyển tới các tỉnh bị ảnh hưởng. Anh Đỗ Khánh Đông từ thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đã gửi 800 áo phao và hiện đang phối hợp với nhóm tình nguyện viên để trực tiếp lên đường hỗ trợ.

Ngoài ra, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn đã mua 1.500 chiếc áo phao để kịp thời gửi đến miền Bắc. Đây được xem là vật dụng cần thiết nhất trong giai đoạn nguy cấp này.

Áo phao của nhóm Đêm Sài Gòn tập kết tại cảng hàng hoá hàng không lên đường ra miền Bắc, chiều 10/9.

Chiều 10/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Chính quyền và nhân dân TP.HCM đã ủng hộ 120 tỷ đồng, trong khi tỉnh Bình Dương cũng trích quỹ cứu trợ 10 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với đồng bào tại các tỉnh phía Bắc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, hàng loạt lời kêu gọi hỗ trợ đồng bào vùng lũ phía Bắc cũng được lan truyền rộng rãi. Đáp lại, hàng trăm đoàn cứu trợ từ khắp các tỉnh thành nhanh chóng xuất phát, mang theo đồ tiếp tế và không ngần ngại tiến vào các vùng tâm lũ, sát cánh cùng bà con vượt qua khó khăn.

Hàng loạt cá nhân, doanh nghiệp, và đội tình nguyện từ Hà Nội cũng như các tỉnh miền Trung và miền Nam đã khẩn trương tổ chức các “chuyến xe 0 đồng”, đưa hàng cứu trợ tới các địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ mưa lũ.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Triều, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cho biết, chiều 10/9, khoảng 200 chiếc thuyền đã được huy động để ứng cứu người dân vùng lũ tại Thái Nguyên, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt. Bên cạnh đó, xã Hương Sơn cũng đã gửi đi 4 chuyến xe chở nhu yếu phẩm thiết yếu, nhằm hỗ trợ kịp thời cho bà con vùng lũ.

Nhu yếu phẩm cộng đồng cư dân HH Linh Đàm ủng hộ bà con vùng lũ.

Tại Cộng đồng cư dân HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đêm 9/9, cộng đồng cư dân đã tổ chức một đoàn xe cứu trợ gửi lên Thái Nguyên với 4 xe hàng chở đầy nhu yếu phẩm như thực phẩm ăn liền, nước sạch, thuốc men, đèn pin, áo phao và dây thừng. Các chuyến xe cứu trợ tiếp tục được cư dân tổ chức đến với bà con vùng lũ khác như Yên Bái, Tuyên Quang…

Những tấm lòng nhân ái từ mọi miền đất nước đang tiếp tục lan tỏa, trở thành nguồn động viên mạnh mẽ giúp người dân miền Bắc kiên cường vượt qua thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Cụ ông 90 tuổi và vị giáo sư miền Nam chung tay giúp đỡ bà con vùng lũ

Tại Huế, ông Hoàng Kinh Thương, 90 tuổi, đã đạp xe đến trụ sở một tờ báo để nhờ chuyển 10 triệu đồng, số tiền hưu trí tích góp của mình, đến bà con vùng lũ miền Bắc. Từng trải qua những trận thiên tai khốc liệt, ông Thương thấu hiểu khó khăn mà người dân miền Bắc đang đối mặt.

Ở TP.HCM, giáo sư Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), đã quyết định rút toàn bộ số tiền 1 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm để gửi hỗ trợ đồng bào. “Số tiền này là lớn với cá nhân tôi, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với những gì người dân miền Bắc đang phải chịu đựng”, ông Thạch chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên báo VietNamNet, Đại tá Nguyễn Xuân Toàn – Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Bộ đội biên phòng – cho biết, điều người dân cần ghi nhớ nhất khi tham gia ứng cứu vùng lũ là nên tìm đầu mối liên hệ ở địa phương.

“Các đoàn cứu trợ nên liên lạc với một đầu mối ở địa phương như công an, bộ đội hoặc chính quyền để cập nhật tình hình nước lũ và tiếp cận vùng lụt theo hướng dẫn của các đơn vị đó.

Việc liên hệ với đầu mối ở địa phương cũng giúp địa phương nắm bắt được số lượng người, nhu yếu phẩm, trang thiết bị mà đoàn cứu trợ mang theo để sắp xếp phương tiện, cách thức tiếp cận vùng lũ sao cho hợp lý.

Ngược lại, đầu mối tại địa phương cũng có trách nhiệm cập nhật tình hình nước lũ hiện tại cho đoàn, thông báo phương án tiếp cận an toàn”, Đại tá Nguyễn Xuân Toàn nói.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *