Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong sáng 18/11 có 5 phụ huynh có con, cháu học ở quận Gò Vấp và TP Thủ Đức đã đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện tìm các em sau cuộc gọi lừa đảo thông báo con họ gặp tai nạn nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện. Các đối tượng yêu cầu chuyển khoản từ 30 triệu đến 40 triệu đồng ứng tiền viện phí, nếu không sẽ không được mổ. Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy đang phối hợp với Công an quận 5 làm rõ vụ việc.
Về phía Bệnh viện Chợ Rẫy, đại diện Bệnh viện cho biết, đơn vị luôn đặt vấn đề tính mạng người bệnh là trên hết. Trong trường hợp bệnh nhân đang nguy kịch, các bác sĩ sẽ luôn ưu tiên tìm mọi cách cứu chữa, nên sẽ không có chuyện Bệnh viện yêu cầu thân nhân phải đóng tiền trước mới tiến hành phẫu thuật. Thế nên, hoàn toàn không có chuyện bác sĩ gọi yêu cầu gia đình chuyển khoản ứng tiền viện phí để được mổ như thông tin trên.
Đây không phải là chiêu lừa đảo mới xuất hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Cách đây 1 năm, những hành vi lừa đảo này cũng đã diễn ra, khiến nhiều gia đình hoang mang. Thậm chí, có phụ huynh cả tin đã chuyển hàng chục triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi. Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy, các sự việc lừa đảo tương tự như trên cũng đã được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện tư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Khẩn trương vào cuộc, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo khẩn, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin học sinh, sinh viên, giáo viên được quản lý tại đơn vị. Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh – sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin, tránh trường hợp thông tin sai sự thật…
Phụ huynh đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con sau khi nhận được điện thoại của đối tượng lạ thông báo con đang cấp cứu. |
Phân tích về chiêu trò của các đối tượng lừa đảo, có thể thấy, phương thức, thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng đánh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân, tạo ra tình huống nguy cấp, cung cấp số tài khoản mạo danh yêu cầu nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng có tổ chức được phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp với nhau theo trình tự “bài bản” khiến cho người dân dễ tưởng thật.
Công an TP Hồ Chí Minh thông tin, đầu tiên, đối tượng thường sẽ gọi điện, nhắn tin cho người thân, phụ huynh học sinh tự xưng là nhân viên y tế, y tá, bác sĩ, nhân viên bệnh viện hoặc giáo viên chủ nhiệm, thầy giáo, cô giáo thông báo người thân, học sinh bị tai nạn và hiện đang nằm viện, cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng cần chuyển tiền ngay để mổ hoặc nhập viện.
Đối tượng thứ 2 sẽ gọi điện cho người thân, phụ huynh học sinh thông báo là lãnh đạo Khoa, bác sĩ bệnh viện thông báo về tên, tuổi, năm sinh của người thân, học sinh và thông báo tình trạng nguy kịch nếu không được tiến hành nhập viện mổ, điều trị gấp.
Tiếp theo đối tượng tự xưng là nhân viên bệnh viện, giáo viên nhà trường liên tục gọi điện thúc giục người thân, phụ huynh học sinh chuyển tiền qua tài khoản (do đối tượng cung cấp) để được điều trị. Sau khi lừa được người thân, phụ huynh chuyển tiền các đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển tiền qua các ví cá nhân hoặc mua hàng hóa trên mạng gây gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc truy tìm và thu hồi tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt.
Về việc lộ thông tin của phụ huynh, học sinh, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đánh giá, các trường học, cơ quan Nhà nước có quy trình, quy định quản lý thông tin chặt chẽ, có kiểm tra độ bảo mật và an toàn. Thông tin, số điện thoại phụ huynh có thể bị lộ lọt những vấn đề liên quan đến lỗ hổng bảo mật của các doanh nghiệp, công ty khác. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều phụ huynh cũng có nguy cơ bị lộ lọt thông tin khi khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng hoặc đăng ký các chương trình khuyến mại khác tại các cửa hàng, khu vui chơi, ăn uống, trung tâm học tập…
Trước tình hình lừa đảo “trắng trợn” hiện nay, công an Thành phố, nhà trường, các cơ sở y tế khuyến cáo người dân nếu nhận được các cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì trước tiên phải bình tĩnh xác minh từ nhiều nguồn, như gọi trực tiếp cho trẻ, liên lạc giáo viên chủ nhiệm hoặc đường dây nóng từ nhà trường nơi con học để tìm hiểu, không nên hốt hoảng rất dễ sập bẫy của bọn lừa đảo và tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng.
Người dân có thể liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để thông báo và nhờ trợ giúp xác minh thông tin (nếu không thể xác minh bằng cách thông thường như: nhờ người thân, gọi điện thoại trực tiếp…).
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể gọi đến số điện thoại trực ban của Công an TP Hồ Chí Minh 069.3187.344, hoặc số điện thoại của trực ban Phòng Cảnh sát Hình sự – Công an TP 069.3187.200 để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý khi nhận được cuộc gọi lừa đảo người thân, học sinh bị tai nạn hoặc bất kể trường hợp nghi vấn lừa đảo qua điện thoại nào.
Hành vi gọi điện lừa đảo chuyển tiền vì người thân, học sinh bị tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội cần phải lên án và phòng ngừa, ngăn chặn. Thiết nghĩ, mỗi người dân cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác cho chính mình; đồng thời, chú ý tới việc bảo mật thông tin cá nhân bởi hiện nay, các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao đang diễn ra vô cùng phức tạp và khó lường. Nếu không tỉnh táo, chúng ta rất dễ rơi vào “bẫy” của kẻ xấu.
Tối 18/11, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an các quận huyện, TP Thủ Đức điều tra vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo bằng thủ đoạn gọi điện thông báo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” xảy ra vào sáng cùng ngày.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh, công an các địa phương rà soát các số điện thoại đã gọi tới cho các nạn nhân (tức phụ huynh) để báo “con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp” để điều tra, truy xét; truy tìm số tài khoản mà phụ huynh đã chuyển tiền vào. |