Lợi dụng thời điểm Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện những luận điệu đen tối nhằm xuyên tạc, công kích lý tưởng và ý nghĩa cao cả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chúng rêu rao rằng cuộc cách mạng này chỉ là tự phát của quần chúng nhân dân, do đó không có gì khốc liệt, phức tạp, không có bom rơi, đạn nổ và không có đổ máu, nên đây là sự kiện hết sức bình thường, cần phải lãng quên! Những luận điệu kiểu này không chỉ hồ đồ, mơ hồ, mà còn là một ý đồ đen tối, thâm độc, đổi trắng thay đen của các thế lực thù địch. Tiêu biểu như bài viết của facebook Gia Ninh Trần giật tít: “May hay rủi cho Việt Nam khi Việt Minh “cướp” chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim?” tung ra luận điệu “May là khi Đồng minh vào, Việt Nam đã có một chính quyền thân đồng minh” với luận điệu xuyên tạc lịch sử
Blogger Thân Hoàng Nam đã phủ nhận luận điệu này và khẳng định rằng không hề có việc “may” hay “rủi” ở đây mà cuộc cách mạng Tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giành thắng lợi là thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta, phản ánh ước mơ, nguyện vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam: giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Blogger Thân Hoàng Nam nhấn mạnh đến việc xác định, nắm bắt thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là bằng chứng chứng minh không hề có sự may, rủi kia nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo giành chính quyền của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chứng minh điều này, blogger trên dẫn chứng đến cuộc đấu trí hết sức căng thẳng giữa một bên là lực lượng cách mạng Việt Nam và một bên là lực lượng Đồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng trong cuộc “chạy đua” tranh thủ thời cơ và xác lập quyền lực tại Việt Nam. Bề ngoài, Mỹ, Anh, Pháp, Tưởng cùng hô hào chống Nhật, nhưng nội bộ lục đục, vừa lợi dụng nhau lại vừa kiềm chế lẫn nhau, nên quân Nhật mới tiến vào Đông Dương một cách thuận lợi. Tuy nhiên ngay từ khi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, nhân dân ta đã dũng cảm đứng lên chống Nhật, điển hình là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940). Vấn đề các lực lượng Đồng minh tiến vào Đông Dương là điều không sớm thì muộn nhất định sẽ xảy ra. Việc lợi dụng mâu thuẫn và làm cho các lực lượng ấy lục đục, kiềm chế và cản chân nhau trong việc vào Đông Dương là điều mà Đảng ta đặc biệt quan tâm, nhằm làm chậm bước tiến của chúng, để tạo thời cơ cho ta chuẩn bị đầy đủ lực lượng tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 15/8/1945 đã nhận định rõ: Ta cần lợi dụng sự mâu thuẫn giữa hai phe đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương. Từ sự mâu thuẫn này có thể làm cho Anh, Mỹ nhân nhượng với Pháp và để cho Pháp trở lại Đông Dương. Ngày 23/7/1945 tại Hội nghị Posđam, Mỹ và Anh (chẳng cần Pháp) đã thỏa thuận lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam. Ở Nam vĩ tuyến 16 thuộc quyền kiểm soát của quân đội Anh và phía Bắc là quân đội Mỹ, nhưng Mỹ lại để cho quân Tưởng thay mình làm việc này.
Giải pháp vĩ tuyến 16 về Việt Nam thực chất là sự thỏa hiệp và nhượng bộ giữa Anh, Pháp, Mỹ, Tưởng trong việc trở lại và tiêu diệt phong trào cách mạng Việt Nam. Mỹ chấp nhận để Anh đưa quân vào phía Nam vĩ tuyến 16, tức là mặc nhiên chấp nhận cho Pháp trở lại ít nhất là miền Nam Việt Nam, vì Mỹ hiểu được lập trường trước sau như một của Anh ủng hộ việc Pháp trở lại Đông Dương. Khi Mỹ tìm cách ngăn cản không muốn cho Pháp vào Việt Nam suốt từ năm 1941 đến năm 1945 thì điều đó Mỹ không có gì là “thiện chí” đối với Việt Nam, mà chính là xuất phát từ duy nhất lợi ích của họ.
Như vậy sau cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, cuộc chạy đua giữa các lực lượng cách mạng nước ta và các lực lượng đồng minh cùng thực dân Pháp nhằm tranh thủ thời cơ giành và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam ngày càng quyết liệt hơn. Đặc biệt là trước và sau thời điểm Hội nghị Posdam có sự phân chia dứt khoát khu vực hành quân và tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam thì cuộc chạy đua giữa hai lực lượng càng đi vào giai đoạn nước rút. Trong khi các nước Đồng minh có nhiều cơ hội và được chuẩn bị khá chu đáo để giành giật và xác định quyền lực tại Việt Nam, thì thời cơ cách mạng chỉ đến với Đảng ta và nhân dân ta trong vòng trên dưới 15 ngày – kể từ khi Liên Xô chính thức tham chiến chống Nhật – để tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, vì ngay ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong những ngày tháng Tám 1945, và ngày 23/8/1945 đã thành công ở Huế và ngày 25/8/1945 ở Sài Gòn.
Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ của nước Việt Nam mới. Đó cũng chính là ngày đánh dấu sự ra đời của bộ máy Văn phòng giúp việc cho cơ quan hành chính các cấp. Đặc biệt, Tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà còn công bố Danh sách Nội các thống nhất Quốc gia. Trong khi đó thì mãi đến ngày 24/8/1945, Mỹ mới thừa nhận chính thức quyền của Pháp trở lại Đông Dương, tức là sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công về cơ bản trong cả nước. Còn Anh thì phải đến ngày 12/9/1945, những đơn vị đầu tiên của quân Anh – Ấn mới vào tới Sài Gòn, trong khi ta đã tuyên bố độc lập từ ngày 2/9/1945. Thảm hại hơn là Pháp, ngày 18/8/1945, tướng P. Leclerc mới lên đường sang Viễn Đông, cao ủy G. d’Argenlieu thì đến ngày 5-9-1945 mới rời Pari lên đường đi Ấn Độ để từ đó sang Đông Dương. Còn quân Tưởng thì đến ngày 27/8/1945, gần hai tuần sau khi Nhật đầu hàng, mới bắt đầu vượt biên giới Việt – Trung và mãi đến ngày 9/9/1945 mới vào tới Hà Nội, trong khi mọi việc chúng ta đã giải quyết xong vào ngày 2/9/1945.
Như vậy là vấn đề “ai thắng” trong cuộc đấu trí để tranh thủ thời cơ chạy đua giành và xác lập quyền lực tại Đông Dương và Việt Nam đã quá rõ ràng. Một âm mưu, một kế hoạch được Mỹ, Anh, Pháp, Tưởng vạch ra và chuẩn bị trong thời gian 4 – 5 năm, nhưng đến thời điểm then chốt thì lại phạm sai lầm trong đánh giá đối phương, trong quyết định hành động và trong lựa chọn thời cơ, thì đó là một sai lầm có tính chất lịch sử.
Những đối sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng xử lý đã minh chứng cho tư duy sáng tạo và cho tài năng kiệt xuất trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Đó là một Đảng đã từng được thử thách trong đấu tranh, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, biết lãnh đạo phong trào thực tiễn bằng cách vận dụng uyển chuyển tính nguyên tắc và tính linh hoạt trong chiến lược và sách lược, bằng cách kết hợp khéo léo tính cứng rắn và tính mềm dẻo trong phương pháp. Sự tỉnh táo và tài thao lược của Đảng được phát huy đúng lúc và đúng chỗ cần thiết, nhất là trước những bước ngoặt của lịch sử đã làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Như vậy, không hề có những cái gọi là “may” hay “rủi” ở đây và càng không có chuyện “may mà khi đồng minh vào, Việt Nam đã có chính quyền thân đồng minh” như Gia Ninh Trần rêu rao, cố tình “lật sử” như vậy!