Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Như vậy có khoảng 3.000 người bị mua bán mỗi ngày. Buôn người bao gồm 2 định nghĩa khác nhau: một là những người bị bắt cóc, lừa gạt để đưa đi di cư; nghĩa thứ hai là việc tổ chức cho người đi di cư trái phép để thu lời bất chính. Với 2 nghĩa này, theo một bản báo cáo của LHQ đầu năm nay, tình trạng buôn người trên thế giới đang ở mức báo động. Cũng theo nghiên cứu của Văn phòng Phòng chống tội phạm và ma túy LHQ, trên toàn thế giới hiện nay ghi nhận khoảng 30 tuyến buôn bán người di cư lớn nhất. Họ di chuyển bằng nhiều con đường và bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Từ năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc xem xét việc quy tội ác chiến tranh đối với các trường hợp bắt cóc và buôn người ở những khu vực đang diễn ra xung đột vũ trang.Việc Hội đồng Bảo an đưa ra xem xét vấn đề bắt cóc, buôn người trong xung đột vũ trang và cưỡng bức di dời, đồng thời tất cả các thành viên đều thừa nhận, phẫn nộ tội phạm bắt cóc, buôn người tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang như trường hợp tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện đối với người Yazidi (cộng đồng thiểu số người Kurd không theo đạo Hồi mà theo đạo Yazidi, hay hành vi bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục, bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động… của lực lượng Quân đội kháng chiến của Thượng đế (nhóm phiến quân Uganda), Boko Haram (phiến quân Nigeria) và các nhóm khủng bố khác.cần phải được xem như tội phạm chiến tranh là bước ngoặt đánh giá về tính nguy hiểm của loại tội phạm này. Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng Bảo an khi đó đã kêu gọi các nước phải truy tố các cá nhân tham gia buôn bán người trong các tình huống xung đột vũ trang, đặc biệt là đối với công chức chính quyền và những người có chức sắc.
Từ đó đến nay, cộng đồng thế giới đã tích cực vào cuộc đấu tranh với nạn buôn bán người, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đã rất nỗ lực, bằng các chương trình hành động cụ thể để phòng, chống hoạt động buôn người như việcThủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), Ủy ban Tư pháp Quốc hội (khóa XIV) ban hành kế hoạch, tổ chức các đoàn công tác làm việc với HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm nhằm đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg (ngày 12/01/2018) chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành, trọng tâm là tổ chức biên soạn tài liệu; quán triệt, tập huấn, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có các quy định liên quan đến phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, ngày 11/02/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về “Tội mua bán người” (Điều 150) và “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151) theo Bộ luật hình sự (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), làm cơ sở cho lực lượng chức năng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.
Mới đây, ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc. Quyết định thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam trong việc triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Global Compact for Safe, Orderly and Regular Migration – Thỏa thuận GCM) phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện của Việt Nam nhằm quản lý di cư hiệu quả vì mục tiêu phát triển bền vững. Xác định các lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, nội dung cụ thể và lộ trình triển khai Thỏa thuận GCM; huy động tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Quyết định nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận, tôn trọng nhân phẩm của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
Trong những năm qua, Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và được ghi nhận là điểm sáng với nhiều giải pháp hữu hiệu. Theo thông tin từ Bộ Công an, Tính riêng, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng công an, biên phòng khám phá 61 vụ, bắt 79 đối tượng. VKSND các cấp truy tố 34 vụ với 51 bị can. TAND các cấp thụ lý 57 vụ với 92 bị cáo phạm các tội về mua bán người, trong đó tuyên phạt tù có thời hạn đối với 52 bị cáo, trong đó có 1 bị cáo lĩnh án tù trên 15 năm, 24 bị cáo lĩnh án tù từ 7 đến 15 năm, 23 bị cáo lĩnh án 3 đến 7 năm…
Đáng tiệc rằng, trước nỗ lực nêu trên của bộ máy Đảng, Chính phủ, người dân, báo cáo TIP năm 2020 của Hoa Kỳ vẫn phủ nhận nỗ lực này, xếp Việt Nam vào nhóm 2, xuyên tạc công tác phòng chống nạn buôn người của Việt Nam là điều rất đáng tiếc, trong khi Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và các nước liên quan đấu tranh, xử lý nghiêm loại tội phạm này.
Với quyết tâm của Chính phủ, với chính sách tuyên truyền, pháp luật đồng bộ, chúng ta hy vọng rằng sẽ không có cái chết tang thương như 39 nạn nhân người Việt ở Anh hay những số phận bi kịch người Việt bị bắt cóc, bán ra nước ngoài…
Tuấn Hùng