Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14825

Phải chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào sáng nay (24/11).

Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”

Theo Thủ tướng, đây là một chân lý, là đột phá mà Đảng ta đã xác định trong ba khâu đột phá. Đây cũng là nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các bộ trưởng, địa phương, từng vụ trưởng, từng cán bộ công chức làm công việc quan trọng này.

Thủ tướng: Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng pháp luật
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Chúng ta thường hay lo các công việc cháy nhà, chết người, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm đến công tác thể chế. Chúng ta phải thay đổi thói quen làm việc, quan tâm nhiều đến thể chế”, Thủ tướng nhắc nhở.

Hiện nay 90% văn bản pháp luật do Chính phủ đề xuất. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, nếu có khuyết điểm thì Chính phủ là người nhận trách nhiệm đầu tiên trong hệ thống pháp luật chứ không phải đổ cho cơ quan khác.

Lưu ý một số tồn tại hiện nay, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến tình trạng chất lượng một số dự án luật còn kém, nhiều dự án luật vòng đời tồn tại rất ngắn ngủi, phải sửa đi sửa lại. Đặc biệt, tình trạng xin lùi, xin rút vẫn còn; văn bản trái luật, chồng chéo, bất cập còn chậm được xử lý…Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ ngành còn yếu, cần rút kinh nghiệm. Bộ máy biên chế, cán bộ làm công tác pháp luật thiếu về số lượng; chất lượng, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu…

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó tập trung xây dựng thể chế pháp luật.

“Muốn một dự án luật có hiệu quả thì chúng ta phải đảm bảo chất lượng, không được hình thức”, Thủ tướng yêu cầu khắc phục cho được những hạn chế trong phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan trong việc lấy ý kiến, lắng nghe lẫn nhau trong việc hoàn thiện các quy định.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tinh thần “công dân được làm những gì pháp luật không cấm” và yêu cầu chống cho được lợi ích nhóm, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thủ tướng: Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong xây dựng pháp luật
Thủ tướng chủ trì hội nghị sáng 24/11.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Chống lợi ích nhóm để bảo vệ tốt quyền lợi của người dân

Các bộ ngành tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.

Thủ tướng cũng yêu cầu kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng: “Tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, tôi yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP phải báo cáo Chính phủ, công khai những bộ, cơ quan có liên quan nợ đọng”.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

“Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Bộ ngành bảo vệ quyền và lợi ích của mình có đúng không? Việc này phải rà soát lại. Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng hơn. Lưu ý các đồng chí cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến, thông qua để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được 112 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trên tất cả các lĩnh vực: Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)…

Thu Hằng

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *