Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
18149

Thủ đoạn lợi dụng vụ án Việt Á để xuyên tạc, công kích chế độ của RFA

 

Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 38 bị can trong “đại án” kit test Việt Á đang được các thành phần chống phá Nhà nước cùng với giới “dân chủ” “tạo sóng”, đưa ra những bình luận, đánh giá sai trái, xuyên tạc, gây nhiễu loạn vụ án, bôi nhọ chế độ và quyết tâm phòng chống tham nhũng tiêu cực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Chẳng hạn, khai thác tình tiết ông Chu Ngọc Anh – cựu Bộ trưởng KH&CN bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Hành vi của ông Chu Ngọc Anh gây thiệt hại tài sản Nhà nước 18,98 tỷ đồng. Lợi dụng việc truyền thông và dư luận thắc mắc vì sao ông Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Việt Á túi quà có 200.000 USD mà không bị xử lý tội Nhận hối lộ? RFA giật tít “Ông Chu Ngọc Anh không bị truy tố tội nhận hối lộ: Dung túng cho tham nhũng?”, trong đó dẫn lời vị luật sư của “hợp tác xã luật sư toàn thua” Nguyễn Văn Miếng, kẻ vừa đào tẩu sang Mỹ để xuyên tạc rằng: “nếu ông Chu Ngọc Anh không bị truy tố tội nhận hối lộ thì đây rõ ràng đây là hành vi dung túng cho tham nhũng” và suy diễn “Còn nếu họ thật lòng chống tham nhũng thì có lẽ phải bắt hết”; rồi vẫn cố tình quy chụp rất trắng trợn: “Tham nhũng được thả lỏng, được bỏ qua, được dung túng, để mua chuộc lòng trung thành với thể chế”…

Trước hết, vấn đề này đã được Tiến Sĩ, luật sư Đặng Văn Cường Đoàn Luật sư TP Hà Nội chỉ rõ, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra chứng minh đến đâu sẽ kết luận và đề nghị truy tố đến đó. Nếu có việc nhận tiền giữa người có chức vụ quyền hạn với cá nhân doanh nghiệp nhưng không chứng minh được có sự thỏa thuận công việc phải làm để được hưởng số tiền đó thì chưa đủ căn cứ để truy tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Nội dung bản kết luận điều tra cho thấy, ông Chu Ngọc Anh bị đề nghị truy tố về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS, chứ không phải là tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS. Số tiền ông Chu Ngọc Anh bị cáo buộc nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD là tiền thu lợi bất chính (nhận quà trái quy định) nên sẽ bị tịch thu để nộp vào ngân sách nhà nước. Luật Phòng chống tham nhũng nghiêm cấm cấp trên nhận quà tặng của cấp dưới hoặc của cá nhân doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình. Bởi vậy, người nhận quà tặng là lợi ích vật chất phải báo cáo với tổ chức và nộp lại quà tặng. Nếu cố tình không báo cáo sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật. Trường hợp vì được tặng quà, vì được hưởng lợi ích, vì vụ lợi như vậy mà “làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản” của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trường hợp giữa người có chức vụ quyền hạn với người khác có sự thỏa thuận với nhau về công việc phải làm và lợi ích được hưởng, theo đó tổ chức, cá nhân sẽ đưa lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để người đó thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Người nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật Hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ số tiền 200.000 USD mà ông Chu Ngọc Anh nhận của Phan Quốc Việt có sự thỏa thuận hay không làm căn cứ xác định bản chất của việc giao nhận số tiền này, làm cơ sở để quyết định đổi tội danh và hình phạt phù hợp đối với ông Chu Ngọc Anh.

Bình luận về chiêu trò này, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc ông Chu Ngọc Anh không bị đề nghị xử lý về việc nhận hối lộ là đã rõ. Việc RFA cùng đám tay chân vẫn cố tình xuyên tạc, vu khống “Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng lộng hành”, “tham nhũng là do thể chế chính trị sinh ra nên Việt Nam sẽ không bao giờ loại bỏ được tham nhũng”. Một số kẻ khác lại tung hỏa mù bằng luận điệu: ““trùm cuối” trong vụ Việt Á sẽ không bao giờ được hé lộ”, “Đảng Cộng sản không thật tâm chống tham nhũng. Tham nhũng chỉ là tranh giành quyền lực”, “các đồng chí bị lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tức là phần “không may” nổi lên trên của một hệ thống tham nhũng nhung nhúc dày đặc”… Bản chất, cái đích cuối cùng mà RFA và những “nhà dân chủ” hướng đến vẫn là yêu cầu Việt Nam phải “thay đổi thể chế chính trị”, “phải đẩy mạnh dân chủ bằng cách chấp nhận đa nguyên, đa đảng”.

Không chỉ riêng những vụ “đại án” như Việt Á hay chuyến bay giải cứu, tất cả hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định. Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đang được triển khai ngày càng bài bản, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Từ khi ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được loại bỏ. Sau hơn một năm thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021. Việc tăng cả về số vụ án và bị can cho thấy Đảng và Nhà nước ta không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng quy định pháp luật, không bao giờ có chuyện Đảng bao che, dung túng cho tham nhũng, “tham nhũng được thả lỏng, được bỏ qua, được dung túng, để mua chuộc lòng trung thành với thể chế”… như những giọng điệu vu khống của RFA và các đối tượng “dân chủ” rêu rao.

Thực tế không phủ nhận việc cán bộ sa vào tham nhũng, tiêu cực là một khuyết điểm của chúng ta. Tuy nhiên khi nhìn vào khuyết điểm cần có sự khách quan, xét xử phải đúng người, đúng tội, căn cứ theo luật pháp chứ không thể cảm tính hoặc cố tình bưng tai bịt mắt mà gào lên “Ông Chu Ngọc Anh không bị truy tố tội nhận hối lộ: Dung túng cho tham nhũng?” hoặc như “Còn nếu họ thật lòng chống tham nhũng thì có lẽ phải bắt hết” như RFA rêu rao. Hành động “vơ đũa cả nắm”, cứ mở miệng là chửi, là quy chụp của RFA và các thế lực phản động, các đối tượng khoác áo “dân chủ” là hành động kém hiểu biết pháp luật, chỉ nhằm phục vụ mưu đồ chống phá của chúng mà thôi.

Trở lại vụ án kit test Việt Á, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kết luận và đề nghị truy tố 38 bị can, trong đó có nhiều bị can từng giữ chức vụ cao trong các cơ quan đảng, nhà nước. Ngoài các bị can đã bị khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận và có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo các quy định của Đảng và chính quyền. Ngoài ra, kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng nêu rõ: Do thời hạn điều tra vụ án đã hết nên tách thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của một số cá nhân để tiếp tục điều tra, xử lý sau. Do vậy những thông tin suy diễn để “bẻ lái” vụ án như chiêu trò của RFA rất thâm độc và xấu xa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *