Ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng khiến các hộ kinh doanh cá thể khó khăn, các doanh nghiệp khó khăn buộc phải cho người lao động nghỉ việc hoặc giãn việc…
Ngày 29/12, Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2020.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đình Bảo Quang – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh – đã cho biết về một số chỉ tiêu chủ yếu tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh năm 2020, như: Số liệu thống kê về tổng sản phẩm trên địa bàn, số liệu thống kê thương mại và dịch vụ, công nghiệp, một số chỉ tiêu về lĩnh vực dân số và lao động…
Theo ông Quang, kinh tế cả nước nói chung và kinh tế Tây Ninh nói riêng đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2020 đạt thấp so với kế hoạch và thấp nhất so với các năm trước đây. Đặc biệt ở lĩnh vực dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đều giảm mạnh.
Ông Quang nói: “Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lữ hành lại giảm kể từ sau khi Tây Ninh đầu tư phát triển du lịch ở núi Bà Đen”.
Theo ông Quang, doanh thu các ngành dịch vụ sụt giảm tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động, các hộ kinh doanh cá thể. Các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng cũng tác động mạnh đến người lao động.
“Hàng hóa không xuất được, không có doanh thu mà vẫn phải duy trì chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là chi phí tiền lương. Để giải quyết khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã tạm ngừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc không lương hoặc thực hiện giãn việc”, ông Quang cho biết.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã nhanh chóng triển khai công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2000/QĐ-TTg.
Theo ông Nguyễn Đình Bảo Quang – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tây Ninh, đến nay, Tây Ninh đã triển khai hỗ trợ cho các đối tượng là: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số gần 52.000 trường hợp với kinh phí gần 69 tỷ đồng; hỗ trợ cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh là gần 20.000 trường hợp với kinh phí gần 16 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Trí – Chánh Văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh nhanh chóng hỗ trợ kịp thời cho các nhóm đối tượng theo đúng quy định của Chính phủ, rà soát lại tất cả các trường hợp để đảm bảo chi đúng, chi đủ theo quy định”.