Từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã tăng lên 2.789.000 đồng, tức gần 36%. Theo đó, kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.
Như vậy là trong 20 năm qua, chúng ta đã có tới 15 lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Gần đây nhất, năm 2023, trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cao hơn lương cơ sở 5,7%. Cụ thể, lương cơ sở điều chỉnh lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%) thì mức chuẩn trợ cấp trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh lên 2.055.000 đồng (tăng 26,5%).
Trong 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân.
Việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết của Quốc hội và cụ thể hóa thực hiện chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của họ.
Theo đó, việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp người có công dựa trên hai nguyên tắc: mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng giữ nguyên mối tương quan giữa các mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hiện hành so với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công theo số tiền tuyệt đối được điều chỉnh tăng bằng với tỷ lệ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 35,7%; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng năm, một lần và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 77/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP về điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Theo đó, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung: Mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; Thuốc thiết yếu; Quà tặng cho đối tượng; Tham quan; Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức chi điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, chụp ảnh, tư vấn sức khoẻ, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14, đã quy định người có công với cách mạng như sau:
– Người hoạt động cách mạng trước 01/01/1945, từ 01/01/1945 – khởi nghĩa tháng Tám 1945.
– Liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời ỳ kháng chiến.
– Thương binh gồm cả thương binh loại B được công nhận trước 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh.
– Bệnh binh.
– Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
– Người bị địch bắt tù, đầy khi hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.
– Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ Tổ quốc.
– Người có công giúp đỡ cách mạng.