Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
39576

Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc Kỳ 1: Cơ quan chịu trách nhiệm chính của LHQ về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Sau 60 năm hoạt động (từ năm 1947 đến tháng 5/2006), Uỷ ban Nhân quyền thường bị chỉ trích là hoạt động không hiệu quả, mang nặng tính chính trị hoá, đối đầu và áp đặt.

Do đó, trong bối cảnh LHQ tiến hành cải tổ sâu rộng bộ máy tổ chức, Uỷ ban Nhân quyền đã được thay thế bằng Hội đồng Nhân quyền, trực thuộc Đại hội đồng, cơ quan toàn thể của LHQ. Hội đồng Nhân quyền được thành lập và đi vào hoạt động từ 6/2006, trở thành cơ quan chịu trách nhiệm chính của LHQ về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Chức năng, nhiệm vụ

Hội đồng Nhân quyền LHQ (sau đây gọi tắt là HĐNQ) là cơ quan được thành lập theo Nghị quyết số 60/251 ngày 03/4/2006 của Đại hội đồng LHQ để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền (CHR), được đặt tại Geneva (Thụy Sỹ).

Một phiên họp tại Hội đồng nhân quyền LHQ

Theo Nghị quyết số 60/251 của Đại hội đồng LHQ thì HĐNQ là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng, có các chức năng, nhiệm vụ: (i) Đóng vai trò là một diễn đàn để đối thoại về những chủ đề cụ thể về quyền con người; (ii) Thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, trợ giúp kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người ở các quốc gia; (iii) Thúc đẩy việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ về quyền con người ở các quốc gia; (iv) Đưa ra những khuyến nghị với Đại hội đồng LHQ về sự phát triển của luật quốc tế về quyền con người; (v) Thực hiện việc đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của các quốc gia; thông qua đối thoại và hợp tác để góp phần phòng ngừa những vi phạm quyền con người và phản ứng kịp thời với những tình huống khẩn cấp về quyền con người; (vi) Hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, các tổ chức khu vực, các cơ quan quyền con người quốc gia, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong các hoạt động về quyền con người[1].

Hạn chế các nước lớn trở thành “thành viên thường trực” 

HĐNQ bao gồm 47 nước thành viên, phân bổ cân bằng theo khu vực địa lý[2]. Các thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, không được tái cử nếu đã qua hai nhiệm kỳ liên tục[3]. HĐNQ bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch nhiệm kỳ một năm dựa trên đề cử của 5 nhóm khu vực và theo nguyên tắc luân phiên giữa các nhóm khu vực.

Tất cả các nước thành viên LHQ đều có quyền ứng cử vào HĐNQ. Khi bỏ phiếu, các nước thành viên LHQ cần xem xét những đóng góp của từng ứng cử viên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cũng như những cam kết tự nguyện của họ trong lĩnh vực này. Đại hội đồng sẽ bầu các thành viên HĐNQ bằng bỏ phiếu kín với đa số thường, đồng thời có thể treo quyền thành viên HĐNQ đối với một nước “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hoặc có hệ thống” bằng đa số 2/3 số nước có mặt bỏ phiếu đồng ý. HĐNQ họp ít nhất 3 khóa thường kỳ/năm và có thể tổ chức các khóa họp đặc biệt nếu được ít nhất 1/3 số nước thành viên HĐNQ. Chủ tịch HĐNQ được các nước thành viên lựa chọn (thông qua đồng thuận hoặc bỏ phiếu) theo nhiệm kỳ 1 năm.

[1] Đại hội đồng LHQ, “Nghị quyết A/RES/60/251”, 3/4/2006, http://www2.ohchr.Org/english/bodies/hrcouncil/docs/A.RES.60.251 En.pdf

[2] Nhóm châu Á được 13 ghế, Nhóm châu Phi 13 ghế, Nhóm Đông Âu 6 ghế, Nhóm Mỹ La Tinh (MLT) và Caribe 8 ghế, Nhóm Tây Bắc  u và các nước khác (phương Tây) 7 ghế.

[3] Đây là điểm mới để hạn chế việc một số nước, nhất là các nước lớn trở thành “thành viên thường trực” trên thực tế như tại Hội đồng Bào an.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *