Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
52313

Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế của LHQ về quyền con người Kỳ 1: Tham gia và đóng góp tại Hội đồng Nhân quyền

Với chủ trương nhất quán là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các cơ chế của LHQ về quyền con người như HĐNQ, Ủy ban 3 của ĐHĐ LHQ, ECOSOC nhằm mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy quyền con người và những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự một cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Trên cơ sở đường lối đối ngoại đa phương hóa và chủ động tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực và chủ động hơn tại các Khóa họp của HĐNQ, cử đoàn cấp cao tham dự các Hội nghị cấp cao của các Khóa họp thường kỳ của HĐNQ, nổi bật là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao của Khóa họp thường kỳ lần thứ 22 (tháng 3/2013) và Khóa 25 (tháng 3/2014); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc Khóa 32 (tháng 6/2016)… Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu làm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 với tỉ lệ ủng hộ rất cao (184/192 phiếu ủng hộ, là một trong những thành viên được bầu với số phiếu cao nhất lịch sử HĐNQ).

Với tư cách là thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2014 – 2016, Việt Nam đã tham gia trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng và có trách nhiệm, đóng góp chủ động, tích cực vào các công việc HĐNQ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong các cuộc thảo luận, Việt Nam luôn thể hiện cách tiếp cận toàn diện, đề cao đối thoại, hợp tác; khẳng định lập trường không ủng hộ chính trị hóa và can thiệp vào công việc nội bộ, khuyến nghị các bên liên quan nỗ lực đối thoại, hợp tác nhằm tìm giải pháp phù hợp cho các bên liên quan; thúc đẩy những nội dung thuộc quan tâm, lợi ích chung của các nước đang phát triển và cũng là những nội dung Việt Nam có lợi ích trực tiếp như quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương…

Việt Nam cũng tăng cường kênh tham vấn song phương với các nước tại HĐNQ trên nhiều vấn đề cùng quan tâm, qua đó lồng ghép nội dung về hợp tác tại HĐNQ trong các khuôn khổ hợp tác song phương, đặc biệt trong các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền với Mỹ, EU, Thụy Sỹ, Na Uy và Úc. Mỹ, Nga thậm chí còn cử đoàn từ trong nước sang Việt Nam để trao đổi về HĐNQ. Một điểm đáng chú ý nữa là trong 3 năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí thành viên HĐNQ, không có nước nào phát biểu chỉ trích công khai tình hình nhân quyền tại Việt Nam tại các Khóa họp của HĐNQ.

Trâm Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *