Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
39059

Sứ mệnh của “Tứ giác kim cương”: Liệu có kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc? Kỳ 1: QUAD 101-Bản hòa tấu hài hòa

Ngày 12-3 (theo giờ Mỹ), liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương non trẻ thường được biết đến với cái tên Bộ tứ hay “Tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ chính thức nhóm họp theo hình thức trực tuyến để khẳng định sứ mệnh duy nhất có ý nghĩa là an ninh hàng hải, trong đó, mục tiêu lớn là kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

 

4 máy bay chiến đấu của Mỹ FA-18s và 4 chiếc MiG 29Ks rời tàu sân bay hải quân Ấn Độ INS Vikramaditya được nhìn thấy từ sàn đáp của tàu USS Nimitz khi tham gia Malabar 2020 ở Ấn Độ Dương vào tháng 11

Theo GS June Teufel Dreyer, chuyên về Khoa học chính trị tại Đại học Miami, Coral Gables, Florida (Mỹ), việc giải mật khung chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những ngày cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump đã chỉ rõ ý định của Mỹ trong việc sắp xếp chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với chiến lược của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản bằng cách tạo ra một tứ giác an ninh. Ngay sau đó, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Jose Biden, Jake Sullivan đã nêu ý định phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa 4 quốc gia và nhấn mạnh việc ủng hộ một số nguyên tắc nhất định khi đối mặt với hành động gây hấn mà Trung Quốc đã thực hiện. “Cuộc họp trực tuyến chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo vào ngày 12-3 khẳng định lần nữa mối quan tâm của chính quyền Washington tới khu vực này và lãnh đạo Bộ tứ sẽ thảo luận về một loạt các mối quan tâm chung trong trung và dài hạn, như đảm bảo nguồn vaccine COVID-19, an ninh hàng hải, thúc đẩy các hợp tác kinh tế, khủng hoảng khí hậu…”, GS June Teufel Dreyer nói.

Vậy QUAD là gì, có nguồn gốc như thế nào mà lại được cả thế giới quan tâm chú ý, đặc biệt là Mỹ? GS June Teufel Dreyer dẫn nguồn tin từ tờ The Japan Times cho hay, ý tưởng về một liên minh an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần đầu tiên được Ngoại trưởng Nhật Bản Aso Taro đề cập với Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tháng 11-2006. Nhưng phản ứng của bà Condoleezza Rice khi đó là “rất thú vị. . ., hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận”, về cơ bản có nghĩa là “không”. Được Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhắc lại vào năm 2007 như một sáng kiến ​​do Nhật Bản tài trợ nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), khái niệm này dường như đã thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Các thành viên đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 5 năm đó tại thủ đô Manila của Philippines, bên lề Diễn đàn khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ARF). Tuy nhiên, cũng như bản chất của các cuộc họp khác, cuộc trò chuyện bị chi phối bởi sự thiếu hiểu biết về nhu cầu ổn định khu vực, tầm quan trọng của sự trung thành đối với một trật tự dựa trên quy tắc quốc tế và việc đảm bảo rằng không hướng về bất kỳ quốc gia nào.

Khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã không đề cập đến Trung Quốc, nhưng những người tham gia và chính phủ Trung Quốc nhận thức được rằng mối quan tâm tới các hành động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông là lý do cho sự tồn tại của nhóm. Nhưng hiện các quốc gia này chưa có kế hoạch cụ thể là làm thế nào để đạt được một đối trọng như vậy hay có thường xuyên tổ chức các cuộc họp theo lịch trình không và mức độ tham gia của các cấp Bộ trưởng như thế nào…? Các cuộc tập trận quân sự sẽ ra sao? Một hiệp ước phòng thủ chung hay chỉ là sự phát triển từ một định dạng lỏng lẻo sang một định dạng chính thức hơn? Tại thời điểm đó, tất cả các bên đều từ chối bất kỳ vai trò quốc phòng nào đối với Bộ tứ, trong đó Washington nhấn mạnh sự cần thiết phải hướng dẫn Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình; Nhật Bản cần có sự tham gia mang tính xây dựng với đối tác thương mại lớn nhất của mình; Bộ trưởng Quốc phòng Australia lúc bấy giờ là Brendan Nelson tuyên bố, đất nước của ông ủng hộ việc hạn chế sáng kiến ​​trong lĩnh vực thương mại, văn hóa và các vấn đề khác không thuộc quốc phòng và an ninh. Còn Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thì cho rằng, QUAD không thể mang hàm ý an ninh… Chính tất cả sự không thống nhất này đã khiến một nhà phân tích Ấn Độ mô tả nhóm này là “một bản hòa tấu hài hòa của các nền dân chủ” và sáng kiến ​​chiến lược bị giới hạn ở các vấn đề phi chiến lược, thì không có ích gì khi thiết lập.

Mặc dù vậy, trong năm 2007, các thành viên Bộ tứ vẫn tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar. Một bài báo đăng tải trên hãng BBC lưu ý rằng, các tài liệu quốc phòng của Bộ tứ khi đó đã mô tả Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng và bình luận một cách tổng quát về một cấu hình phi chiến lược “khuấy đảo Biển Đông”. Nhưng khi ông Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe và ông Fukuda Yasuo trở thành Thủ tướng thì QUAD không còn là ưu tiên của Nhật Bản. Tại Australia, chính phủ của Thủ tướng John Howard được thay thế bởi ông Kevin Rudd của Đảng Lao động, người đã nhận bằng Trung Quốc học và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ thương mại Trung Quốc-Australia. Và đáp lại những cảnh báo của Trung Quốc rằng việc tham gia Bộ tứ sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương, Canberra đã chọn không tham gia cuộc tập trận Malabar trong năm sau đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *