Phát huy nguồn lực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi tới chùa Kh’Leang (đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, TP. Sóc Trăng) sau cơn mưa buổi sáng. Tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn, rợp bóng những cây cổ thụ, chùa Kh’Leang nằm yên bình giữa phố thị.
Ông Huỳnh Sa Oát (bên trái) dọn dẹp tại chùa Kh’Leang sáng ngày 7/6. |
Tại đây, chúng tôi gặp ông Huỳnh Sa Oát (quận 4, TP Sóc Trăng, 74 tuổi) đang kê lại bàn ghế, dọn dẹp trong gian tiếp khách của nhà chùa. Ông cho biết, ông thường tới chùa một tháng 4 lần vào ngày mùng 8; 23; 15 vào 30. Mỗi lần tới, ông thường quét dọn, sắp xếp đồ đạc, chăm sóc cây cối trong chùa. Không chỉ có ông, khoảng 10 người dân quanh khu vực thường xuyên tới chùa làm công quả, hỗ trợ những lúc nhà chùa có công việc. Ông nhấn mạnh: “Mình là người theo đạo Phật, mình tới chùa để nhận phước lộc thôi. Cầu mong sức khỏe ổn định, gia đình hạnh phúc. Bà con tới đây cầu phước, bảo ban nhau đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng, cho con cháu hiểu được văn hóa của người Khmer. Mong nhà chùa luôn ổn định để con trẻ học hành cho tốt, cuộc sống bình an”.
Chùa có tượng Phật nằm khổng lồ (Bôtum Vong Sa Som Rong) lại thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương bởi kiến trúc Khmer độc đáo. |
Cũng nằm trong thành phố Sóc Trăng, chùa có tượng Phật nằm khổng lồ (Bôtum Vong Sa Som Rong) lại thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương bởi kiến trúc Khmer độc đáo. Cô Triệu Thị Sơ Rum (57 tuổi, phường 5, TP Sóc Trăng) đã gắn bó với chùa Bôtum Vong Sa Som Rong từ những ngày thơ ấu. Cô Rum vui mừng: “Chùa có nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhưng điểm nhấn đặc biệt chính là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn khổng lồ mà du khách có thể nhìn thấy từ xa. Tượng có chiều dài 63m, cao 22,5m, được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam.
Trước đây, chùa nhỏ, chỉ bằng 1/10 so với hiện nay, quanh đây chủ yếu là ruộng vườn. Chùa bây giờ có tháp mới, có cột cờ, có tượng Phật nằm nên không chỉ thu hút người dân địa phương mà cả ở Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh phía Bắc. Cuối tuần hoặc ngày lễ có tới hàng trăm, hàng nghìn người tới đây lễ Phật”.
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long có diện tích 3,223 km2. Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người. Tỉnh có 09 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân với hơn 635.297 chức sắc, tín đồ và 734 cơ sở thờ tự; đa số người dân tộc Khmer có truyền thống theo Phật giáo Nam tông. Toàn tỉnh hiện có tổng số 92 chùa, hơn 350.000 phật tử. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng: Những năm qua, tình hình hoạt động của các tôn giáo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các hoạt động, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đều được tổ chức ngày càng quy mô và long trọng hơn, thu hút đông đảo quần chúng tín đồ tham gia. Các hoạt động đã khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tôn giáo, phát huy nguồn lực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động xã hội, y tế, giáo dục góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đời sống đồng bào có đạo được nâng lên
Các tổ chức tôn giáo tập trung củng cố tổ chức, mở các lớp giáo lý, thuyết pháp, bồi dưỡng trụ trì, hợp thức hoá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, tư sửa cơ sở thờ tự… Đại đa số chức sắc, tín đồ phấn khởi trước những thành quả đổi mới của đất nước và của tỉnh nhà, chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của số đông đồng bào có đạo được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào tôn giáo được tăng cường, lòng tin của chức sắc, tín đồ được củng cố, tạo được sự đồng thuận, nhất trí với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại tỉnh, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thực hiện tốt chức năng hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo đúng quy định, phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, vận động chức sắc, đồng bào phật tử tham gia các phong trào xã hội ở địa phương, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học khai giảng năm học mới cho Tăng sinh tại trường Bổ túc văn hoá Pali trung cấp Nam bộ, đồng thời hướng dẫn cho các chùa mở lớp dạy và tổ chức thi Sơ cấp Pali, Vini, chữ Khmer và bổ túc văn hoá cho sư sãi, con em đồng bào phật tử.
Lớp dạy sơ cấp Pali tại Sóc Trăng |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Minh Mẫn cho biết: “Sở Nội vụ phối hợp với các ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, đơn thư yêu cầu chính đáng của các tôn giáo đã được các cấp, các ngành phối hợp giải quyết nhanh, đúng thời gian và đúng quy định. Tỉnh cũng tạo điều kiện xây dựng, sữa chữa các cơ sở thờ tự của các tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật, tạo sự an tâm, phấn khởi trong giới chức sắc, chức việc và đồng bào phật tử”.