Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16801

Sáng kiến hiệu quả trong thực hiện Khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận

Xuyên suốt cả 3 chu kỳ UPR trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Qua quá trình tham gia UPR, Việt Nam cũng có những cách làm, sáng kiến hiệu quả; mà tiêu biểu là việc xây dựng các Kế hoạch Tổng thể nhằm triển khai các khuyến nghị mà Việt Nam được chấp thuận.

Kế hoạch Tổng thể là một công cụ hữu ích không chỉ để bảo đảm thúc đẩy thực hiện những biện pháp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà Việt Nam đã cam kết; mà còn rất hiệu quả cho công tác theo dõi, rà soát, thống kê phục vụ xây dựng Báo cáo quốc gia cho chu kỳ tiếp theo. Mô hình này đã được Việt Nam bắt đầu triển khai từ chu kỳ II và được củng cố tại chu kỳ III; với việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1974/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 phê duyệt  Kế hoạch Tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam chấp thuận.

  1. Về Kết quả rà soát UPR chu kỳ III với Việt Nam:

Chu kỳ rà soát UPR đã được tiến hành với Việt Nam với hai sự kiện quan trọng nhất là Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam tại HĐNQ vào tháng 1/2019 và Phiên họp của HĐNQ thông qua báo cáo quốc gia của Việt Nam vào tháng 7/2019. Trong quá trình này có thể nhận thấy báo cáo UPR chu kỳ III của Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn hơn của các nước, các tổ chức quốc tế so với hai chu kỳ trước. Số lượng các nước phát biểu và số lượng khuyến nghị gia tăng nhiều so với chu kỳ II (291 khuyến nghị của 121 quốc gia so với 227 khuyến nghị của 106 quốc gia tại chu kỳ II).

Bảo bảo quyền giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số

Một điểm khác biệt lớn khác là nội dung các khuyến nghị của các nước cũng có sự điều chỉnh so với hai chu kỳ trước. Số lượng các khuyến nghị liên quan đến hoàn thiện, sửa đổi hệ thống pháp luật về quyền con người trong chu kỳ III là 44 khuyến nghị, tăng gần gấp đôi so với số khuyến nghị trong chu kỳ II (23 khuyến nghị). Điều này xuất phát từ việc cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật đang là một trong những ưu tiên cao của Việt Nam. Các khuyến nghị về bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương cũng gia tăng mạnh so với chu kỳ II với 68 khuyến nghị (chiếm gần ¼ số khuyến nghị chu kỳ III mà Việt Nam nhận được), trong khi chu kỳ II chỉ có hơn 40 khuyến nghị.  Từ cách đưa ra các khuyến nghị, có thể thấy các nước không chỉ đánh giá cao về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người mà cũng rất quan tâm, chú ý đến những lĩnh vực ưu tiên và tình hình thực tiễn của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người thời gian tới.

Việc rà soát các khuyến nghị trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tính đặc thù về chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, những hướng ưu tiên và cam kết quốc tế của Việt Nam. Phần lớn các khuyến nghị chu kỳ III mà Việt Nam nhận được đều phù hợp với đường lối đổi mới và chủ trương, chính sách của Nhà nước ta trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, là sự bổ sung hữu ích và giúp định hướng rõ hơn các ưu tiên của Việt Nam về đảm bảo quyền con người. Trong tổng số 291 khuyến nghị nhận được, vào tháng 7/2019, Việt Nam đã tuyên bố chấp thuận 241 khuyến nghị (chiếm gần 83%), trong đó 220 khuyến nghị chấp thuận đầy đủ. Đây là tỉ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia (tỉ lệ trung bình 2009-2018 của các nước đạt 73,33%; tỉ lệ chấp thuận của Việt Nam chu kỳ II cũng chỉ đạt 80,2%).

Các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận trong chu kỳ III tập trung vào: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, nhất là liên quan đến thể chế hóa các điều khoản trong các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, cải thiện khuôn khổ pháp lý về tư pháp hình sự, tiếp cận pháp lý, quyền của người lao động (chiếm 33/241 khuyến nghị chấp thuận); (ii) Thúc đẩy hơn nữa quyền kinh tế, văn hóa, xã hội như tăng cường tiếp cận y tế, nước sạch, giáo dục, dịch vụ công, xóa bỏ bất bình đẳng (chiếm 46/241 khuyến nghị chấp thuận); (iii) Thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật và quyền của người dân tộc thiểu số (chiếm 62/241 khuyến nghị chấp thuận).

Các khuyến nghị Việt Nam không chấp thuận là các khuyến nghị về việc gia nhập hoặc phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế hoặc nghị định thư tùy chọn (như Quy chế Rome, Công ước UNESCO 1960…), đề nghị điều chỉnh, xây dựng các văn bản pháp luật mà Việt Nam chưa có kế hoạch sửa đổi, hay khuyến nghị liên quan đến án tử hình. Đây là những khuyến nghị chưa phù hợp với pháp luật, chính sách, thể chế chính trị Việt Nam hoặc không phù hợp với những ưu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, không chấp thuận các khuyến nghị không có nghĩa rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn bác bỏ vấn đề đó; việc xem xét chấp thuận hay không chấp thuận khuyến nghị phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế trong nước, thời gian và tính khả thi của việc hoàn thành khuyến nghị đó trong một chu kỳ UPR. Với tinh thần cầu thị, thiện chí và chắt lọc những giá trị tích cực trong các khuyến nghị, Việt Nam vẫn chấp thuận một phần 21/241 khuyến nghị.

  1. Mục đích và yêu cầu khi ban hành Kế hoạch Tổng thể:

Kế hoạch Tổng thể thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận nói riêng và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người; hướng tới bảo đảm phân công trách nhiệm và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận.

Kế hoạch Tổng thể cũng hướng tới hỗ trợ quá trình điều phối, theo dõi, báo cáo việc thực hiện các khuyến nghị UPR, bảo đảm việc thực hiện đạt kết quả tốt và đúng tiến độ, phục vụ công tác báo cáo giữa kỳ và tiến trình rà soát chu kỳ IV của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền, dự kiến bắt đầu vào năm 2023. Thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và tuyên truyền đối ngoại về quyền con người, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong tiến trình thực hiện các khuyến nghị UPR cũng là một trong những mục tiêu mà Kế hoạch Tổng thể nhắm tới.

Để đảm bảo việc thực hiện các khuyến nghị UPR được thực chất và hiệu quả; một số yêu cầu đã được nhấn mạnh trong Kế hoạch. Đây cũng chính là những phương châm mà các cơ quan của Việt Nam theo đuổi trong suốt quá trình rà soát, xây dựng chủ trương với các khuyến nghị. Thứ nhất việc thực hiện các khuyến nghị UPR cần bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nội dung có liên quan, bảo đảm tính khả thi về thời gian và nguồn lực. Thứ hai, việc thực hiện các khuyến nghị UPR phải tiết kiệm, hiệu quả, gắn kết và lồng ghép với việc thực hiện các Chiến lược quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội do Chính phủ ban hành đang được các bộ, ngành triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Thứ ba, Kế hoạch đặt ra yêu cầu về sự chủ động của các Bộ, ngành chủ trì các khuyến nghị, cũng như yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong suốt quá trình thực hiện nhằm bảo đảm sự hài hòa, chất lượng và hiệu quả công việc và đúng tiến độ đề ra trong Kế hoạch tổng thể.

  1. Kế hoạch Tổng thể đặt ra 6 nhóm giải pháp chính gồm:

Thứ nhất là giải pháp về hoàn thiện pháp luật, thể chế về quyền con người. Nhóm giải pháp này chính là việc tăng cường triển khai ưu tiên lớn nhất của Việt Nam trong thời gian qua trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, kể từ sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy cải cách tư pháp, củng cố thể chế, chính sách, pháp luật về quyền con người phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; và quan trọng là luôn bảo đảm sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Trong nhóm này, với việc đặt ưu tiên và quyết tâm cao từ các cơ quan liên quan của Việt Nam, đã có một số khuyến nghị đã sớm hoàn thành thực hiện, như việc Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Thứ hai là nhóm giải pháp về chính sách bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây cũng là hướng ưu tiên quan trọng trong phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân trong nhiều năm qua ở Việt Nam, với nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng đã được ban hành. Các nhóm giải pháp trong Kế hoạch Tổng thể không chỉ tái khẳng định cam kết của Việt Nam thực hiện các chương trình, kế hoạch đó mà còn nhấn mạnh khía cạnh quyền con người khi triển khai các chương trình, kế hoạch này. Đồng thời, Kế hoạch Tổng thể cũng đề cao các nội dung của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, việc thực hiện các Mục tiêu SDGs trong quá trình đó.

Thứ ba là nhóm giải pháp về chính sách bảo đảm các quyền dân sự, chính trị. Các giải pháp trong lĩnh vực này không chỉ chú trọng đến khía cạnh cải cách pháp luật, tư pháp hình sự; mà còn cả khía cạnh xây dựng chính sách, đầu tư nguồn lực phục vụ bảo đảm quyền; ví dụ như xây dựng hạ tầng cơ sở để phát triển Internet tại vùng sâu, vùng xa; tăng khả năng tiếp cận thông tin và bảo đảm các quyền dân sự, chính trị thông qua Internet của người dân. Các vấn đề quyền trong nhóm giải pháp này cũng trải rộng từ tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí, tăng cường tiếp cận thông tin; tự do tín ngưỡng tôn giáo; tự do lập hội và hội họp… Trong nhóm giải pháp này của Kế hoạch Tổng thể, nguyên tắc không phân biệt đối xử, đồng thời có sự hỗ trợ đối với các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là về hỗ trợ pháp lý luôn được đề cao.

Thứ tư, ngoài việc lồng ghép vào các biện pháp theo vấn đề quyền nêu trên; nhóm giải pháp dành riêng cho việc thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương cũng là nội dung quan trọng của Kế hoạch Tổng thể. Ngoài phụ nữ, các nhóm dễ bị tổn thương được đề cập trong Kế hoạch Tổng thể gồm có trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, người đồng tính, song tính, chuyển giới, người nhiễm HIV/AIDS… Ngoài ra, Kế hoạch Tổng thể cũng có cách tiếp cận rất cụ thể, ghi nhận các nhu cầu khác nhau của từng nhóm dễ bị tổn thương và đề ra từng giải pháp riêng, phù hợp với từng nhóm.

Ngoài các giải pháp mang tính chuyên đề, ưu tiên nêu trên, Kế hoạch Tổng thể cũng đề ra hai nhóm giải pháp quan trọng, vừa có tính chất bổ trợ, vừa có tính chất bao trùm, xuyên suốt, bảo đảm hiệu quả thực hiện các nhóm giải pháp khác, cụ thể là: (i) Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền con người và (ii) Thực hiện các cam kết quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người.

Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế – Bộ Ngoại giao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *