Gần đây, nhân việc Chủ tịch Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Đảng thay thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, những thành phần chống phá lại tung ra nhiều luận điệu nhằm tạo sự hoài nghi của quần chúng, nhân dân với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Chẳng hạn như bài: “Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục di sản ‘dở dang’ của người tiền nhiệm thế nào?” trên RFA tung ra một đống những luận điệu rác rưởi, xuyên tạc, vu khống “Khủng hoảng kế vị – đặc tính của chế độ đảng toàn trị”, “Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ duy trì chế độ “kiểu Putin”?”, “Tân Tổng bí thư Tô Lâm bảo vệ tư tưởng của Đảng thế nào?”, “Đảng khẳng định chống tham nhũng “tới cùng” nhưng công luận băn khoăn “tới cùng” là tới khi nào?”, kích động “Tuy nhiên, công cuộc chống tham nhũng khi người dân “đứng ngoài cuộc”, như những khán giả “thưởng thức” những trận đấu, thậm chí “trò chơi vương quyền”…
Thứ nhất, ngay trong mọi chủ trương, đường hướng của Đảng, Nhà nước luôn xác định cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực cần dựa vào dân và sự đoàn kết, thống nhất cả hệ thống chính trị. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ những lời nói đầu đã chỉ rõ: “Con đường phía trước của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng, sự quan tâm, đồng lòng, sự quyết tâm trong nhận thức và hành động của toàn dân, sẽ vượt qua bằng sức mạnh nội sinh, cội nguồn là sức mạnh niềm tin của dân đối với Đảng”. Quan điểm này đã khẳng định vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời, củng cố thêm niềm tin của các tầng lớp nhân dân với Đảng, với người đứng đầu Đảng. Như vậy không thể “bình loạn” như RFA, hòng kích động, chia rẽ lòng dân với Đảng một cách thô thiển, đểu cáng.
Trong cuộc đấu tranh không có tiếng súng nhưng đầy cam go, thách thức, có những giai đoạn tưởng chừng như bị chùng xuống, khiến người dân hoài nghi sự “nguội lạnh”, nhưng Tổng Bí thư đã kịp thời thắp lên ngọn lửa niềm tin bằng tất cả dũng khí và mưu lược của mình, với những câu nói đầy chất “thép”: “Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”… Đó là lời tuyên chiến đanh thép, tỏ rõ sự không lùi bước, không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng, với những quan chức tha hóa, biến chất.
Thực tiễn kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua đã tạo sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, tạo hiệu ứng xã hội vì đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, thuận với ý nguyện của nhân dân và đó cũng là điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Đồng thời, thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo ra tâm lý quan tâm, ủng hộ và tham gia của cán bộ, nhân dân ở những vị trí, mức độ khác nhau, đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tiếp nối nỗ lực, quyết tâm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay tại buổi họp báo ngày 3/8/2024 sau khi được bầu chọn Tổng Bí thư, lời khẳng định “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã vang lên đầy sức mạnh, thể hiện lòng kiên định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Câu nói trên cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời khơi gợi niềm tin và sự ủng hộ của người dân. Đây là một tín hiệu tích cực, khẳng định cam kết của Đảng trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Lời khẳng định “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ” cũng là một lời cam kết mạnh mẽ với người dân cả nước về đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Liên tiếp các cuộc họp và thông báo từ Ủy ban Kiểm tra TƯ “đã thành lệ” vẫn duy trì đều đặn, cho thấy không chỉ có cam kết suông. RFA và những truyền thông chống phá Nhà nước Việt Nam, tiếp tay, hậu thuẫn cho đám phản động, thù địch cứ tự suy tự diễn bừa bãi rồi tung ra một đống những rác rưởi và giọng điệu xuyên tạc, vu khống, quy chụp càng làm lộ rõ bản chất thù địch, mất thiện cảm trong mắt người dân Việt Nam, và quốc tế.