Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
RCEP có sự tham gia của của 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định nhằm mục đích giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa các quy tắc về thương mại điện tử mới.
Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Cụ thể, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như: Viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp. Đối với các ngành thế mạnh của Việt Nam tại Hiệp định RCEP này, thủy sản sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể xâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.
“Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như: Nhật Bản, Australia, New Zealand và Hàn Quốc”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Nói rõ hơn về lợi ích của RCEP, báo chí châu Âu cho hay, hiệp định sẽ giúp cắt giảm hàng rào thuế quan, thiết lập các quy tắc thương mại chung và do đó cũng tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng. Cụ thể, như tờ Toàn cảnh Frankfurt đánh giá, một khu vực thương mại lớn nhất thế giới đang hình thành ở châu Á mà không có châu Âu và Mỹ. Nhiều nhà phân tích còn chỉ rõ, RCEP có điểm tương đồng rõ ràng về tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – vốn được kỳ vọng ký kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama nhằm tạo cho Washington ưu thế trong việc viết ra các quy tắc thương mại quốc tế. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi TPP dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện nay, đang phải đối mặt với sự bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, xét về thương mại, RCEP là cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định là rất lớn. Đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Australia, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến… Nhưng, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
S.Thương