Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
23974

Quyền sống và sự tương thích với pháp luật quốc tế

Việt Nam đã tham gia hai Công ước quốc tế cơ bản về nhân quyền năm 1966 là ICCPR và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) cùng với một số điều ước quốc tế khác về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như Công ước về quyền trẻ em 1989, Công ước về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979… Đây là những cơ sở pháp lý quốc tế để thúc đẩy các quyền con người, bao gồm quyền sống ở Việt Nam.

Quyền sống và sự tương thích với nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.

Quyền sống là quyền tự nhiên, cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện cốt lõi của luật nhân quyền quốc tế. Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (UDHR) năm 1948 nêu rằng: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân”. Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 3 UDHR: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện” (Khoản 1). Bên cạnh ICCPR, một số công ước quốc tế khác về quyền con người cũng đề cập đến quyền sống, trong đó bao gồm Công ước về quyền trẻ em, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước về trấn áp và trừng trị tội ác a-pác-thai…

Tuy nhiên, trong ICPPR và các văn kiện khác của luật nhân quyền quốc tế không có điều khoản nào bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ án tử hình hoặc xem việc áp dụng hình phạt tử hình là sự vi phạm quyền sống. Để bảo vệ quyền sống khỏi bị tước bỏ một cách tuỳ tiện, hay nói cách khác là để phòng ngừa việc lạm dụng hình phạt tử hình, luật nhân quyền quốc tế quy định các quốc gia có nghĩa vụ giới hạn áp dụng hình phạt này chỉ với “những tội ác nghiêm trọng nhất”.

Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền sống nhưng không xem đó là một quyền tuyệt đối không thể bị tước bỏ trong mọi trường hợp. Hình phạt tử hình là chế tài hình sự nghiêm khắc nhất của một nhà nước, dẫn đến hậu quả là tước đi quyền sống của cá nhân. Trong thực tiễn, xu hướng chung trên thế giới trong những thập kỷ gần đây là giảm và tiến tới xoá bỏ hình phạt tử hình với số lượng các quốc gia xoá bỏ hình phạt tử hình ngày càng tăng và số lượng các quốc gia thi hành án tử hình ngày càng giảm.

Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống.

Quyền sống và sự tương thích với pháp luật quốc tế
Quyền sống và sự tương thích với pháp luật quốc tế

Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Quyền sống hiện còn được bảo vệ qua một số điều khoản khác của Hiến pháp năm 2013 và trong một số đạo luật chuyên ngành như Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Dân sự… như vậy, có thể thấy pháp luật Việt Nam đã tương thích với những nguyên tắc quốc tế cơ bản về quyền sống.

Như một số quốc gia khác, Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình trong BLHS.

Theo quy định tại Điều 40 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
  • b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
  • c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.

Xét về mặt lịch sử, hình phạt tử hình đã được áp dụng từ thời phong kiến ở nước ta cho đến nay, tuy ở mỗi thời kỳ, cách thức và mức độ áp dụng hình phạt này có những điểm khác nhau.

Tuy nhiên, kể từ năm 1999, Việt Nam đã liên tục giảm số tội danh áp dụng án tử hình, cụ thể là từ 44 xuống còn 29 trong BLHS năm 1999, xuống còn 22 trong lần sửa đổi BLHS năm 2009 và còn 18 trong BLHS năm 2015. Tỷ lệ các tội danh có quy định hình phạt tử hình trên tổng số tội danh của BLHS 2009 là 22/272 (trên 8%), giảm khoảng 3% so với BLHS năm 1999; khoảng 6,87% so với BLHS năm 1985 và 12,64% so với BLHS năm 1985.

BLHS năm 2015 cũng đã bổ sung các quy định mới bao gồm:

  • Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với họ (các khoản 2, 3 Điều 40);
  • không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn (điểm c khoản 3 Điều 40).
  • Để phù hợp với quan điểm của Liên Hợp quốc, xu hướng chung trên thế giới và thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó chủ trương từng bước hạn chế, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về hình phạt tử hình

Thứ nhất, để phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, cần xem xét xóa bỏ hình phạt tử hình

Với những nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội khủng bố và hầu hết các tội trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định của BLHS hiện hành, bởi theo quan điểm của Liên Hợp quốc, đây là những tội phạm không nên bị kết án tử hình, và trong thực tế ở nước ta thời gian qua rất ít khi áp dụng. Cũng nên xóa bỏ hình phạt tử hình với nhóm tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới, bởi trong thực tế nước ta hầu như không áp dụng, nhưng quan trọng hơn là ngay trong các điều ước của luật hình sự quốc tế (Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế năm 1998) cũng không quy định hình phạt tử hình với những tội danh này.

Thứ hai, đối với những tội vẫn quy định hình phạt tử hình,

BLHS chỉ nên quy định áp dụng trong những trường hợp hành vi phạm tội mang tính bạo lực, dã man, tàn bạo, gây bất bình trong nhân dân, hoặc phạm tội có tổ chức với quy mô lớn, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng, nhóm tội phạm trong việc thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho nhiều người, đối tượng thực hiện là những kẻ chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường khuôn khổ pháp lý và các biện pháp bảo vệ, thúc đẩy các quyền của những người bị kết án tử hình, bao gồm những tử tù chờ được hành quyết phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.

Thứ tư, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc quy định các hình phạt thay thế hình phạt tử hình và những quy định đặc biệt có tính chất nhân đạo

về việc áp dụng hình phạt này, ví dụ như quy định về án tử hình cho hoãn thi hành trong 2 năm để có thể được xem xét giảm xuống tù chung thân (Trung Quốc), hay việc kết án nhưng không thi hành trên thực tế.

Thứ năm, khuyến khích các nghiên cứu và tranh luận trong xã hội về các vấn đề lý luận, thực tiễn và pháp lý quốc tế và quốc gia về hình phạt tử hình.

Từ đó có cơ sở đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi quy định của pháp luật về án tử hình. Nghiên cứu khả năng tham gia Nghị định thư tùy chọn thứ hai của ICCPR về xóa bỏ hình phạt tử hình.■

Luật nhân quyền quốc tế bảo vệ quyền sống nhưng không xem đó là một quyền tuyệt đối mà không thể bị tước bỏ trong mọi trường hợp. Để phù hợp với quan điểm của Liên Hợp quốc, xu hướng chung trên thế giới và thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó chủ trương từng bước hạn chế, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Tác giả: PGS.TS Vũ Công Giao –  Chủ nhiệm Bộ môn Hiến pháp – Hành chính, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội

nhanquyenvn.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *