Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
54809

Quyền được bảo vệ trên môi trường mạng của trẻ em Kỳ 2: Xác định “cuộc chiến” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trong thời gian vừa qua, hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng do phong toả, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Tiến sỹ Howard Taylor – Tổng giám đốc điều hành Hợp tác Toàn cầu Chấm dứt bạo lực nhận định: “Đại dịch do vi-rút corona gây ra dẫn đến tăng thời gian người sử dụng nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết. Trường học đóng cửa, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài, nhưng không phải trẻ em nào cũng có kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên mạng”. [1]

72% thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 15-24 sử dụng Internet

Báo cáo hàng năm của UNICEF được công bố ngày 12/12/2017 cho biết, mặc dù hiện nay có rất nhiều trẻ em sử dụng inernet – cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em – nhưng hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít.

Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số trình bày cái nhìn toàn diện đầu tiên của UNICEF về các khía cạnh khác nhau mà công nghệ kỹ thuật số đang ảnh hưởng đến đời sống và các cơ hội sống của trẻ em, xác định nguy cơ cũng như cơ hội. Báo cáo này lập luận rằng chính phủ và khu vực tư nhân không theo kịp tốc độ thay đổi, khiến trẻ em phải đối mặt những rủi ro và nguy hại mới và khiến hàng triệu trẻ em bị thiệt thòi nhất bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo này nghiên cứu các lợi ích mà công nghệ số có thể mang lại cho trẻ em bị thiệt thòi nhất, bao gồm cả trẻ lớn lên trong đói nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp nhân đạo. Lợi ích bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số và mang lại cho trẻ em một nền tảng để kết nối và biểu đạt quan điểm của các em.

Nhưng báo cáo này cũng cho thấy hàng triệu trẻ em đang không được hưởng các lợi ích mà công nghệ số mang lại. Khoảng một phần ba thanh thiếu niên trên thế giới – tương đương 346 triệu người – không được sử dụng internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.

Báo cáo cũng phân tích internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến. Báo cáo cũng ghi nhận sự hiện diện khắp nơi của các thiết bị di động khiến việc truy cập trực tuyến của trẻ em ít được giám sát hơn – và do đó tiềm năng rủi ro cao hơn.

Và các mạng kỹ thuật số như các trang web đen và các tiền tệ kỹ thuật số tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng tồi tệ nhất diễn ra, bao gồm nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em “theo đơn đặt hàng”.

Kể từ khi Việt Nam chính thức hòa mạng Internet vào năm 1997, Việt Nam đã đạt được những bước tiến ấn tượng với 64 triệu người sử dụng Internet tính đến tháng 6 năm 2017, chiếm 67% dân số. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất ở Châu Á. Truyền thông xã hội được phổ biến rộng rãi với 64.000.000 người có tài khoản Facebook, trong đó phần đông là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một cuộc thăm dò ý kiến toàn cầu với hơn 10.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18 tại 25 quốc gia do UNICEF thực hiện vào năm 2016 cho thấy 72% thanh thiếu niên Việt Nam tuổi từ 15-24 sử dụng Internet. Thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam đề cao sự an toàn trực tuyến và nhận thức được những nguy cơ của internet với 74% tin rằng những người trẻ tuổi có nguy cơ bị lạm dụng tình dục trực tuyến.

Trong khi trẻ em tham gia vào môi trường mạng ngày càng nhiều thì những hàng rào bảo vệ trẻ em lại đang có nguy cơ bị vô hiệu hóa. Phần lớn cha mẹ, thầy cô không đủ kiến thức hoặc không quan tâm và ít để ý đến nội dung truy cập mạng của con; các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng không kiểm soát, phân loại và cảnh báo kịp thời về các nội dung xấu; hành lang pháp luật bảo vệ trẻ em chưa đủ mạnh, năng lực của các cơ quan quản lý còn hạn chế, trong khi nhận thức của trẻ em về an toàn trên Internet còn chưa đầy đủ, chưa tự bảo vệ mình trước sức hút của Internet.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng do phong toả, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Tiến sỹ Howard Taylor – Tổng giám đốc điều hành Hợp tác Toàn cầu Chấm dứt bạo lực nhận định: “Đại dịch do vi-rút corona gây ra dẫn đến tăng thời gian người sử dụng nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết. Trường học đóng cửa, các biện pháp cách ly nghiêm ngặt khiến cho ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài, nhưng không phải trẻ em nào cũng có kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên mạng”. [1]

Đi đôi với chế tài pháp lý rõ ràng, đủ tính nghiêm minh

Về góc độ pháp lý, Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ “Trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” (Điều 54). Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 33, Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật trẻ em 2016 cũng quy định rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em phải được bảo vệ trên môi trường mạng. Thông tin bí mật về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Gần đây nhất, lần đầu tiên trong văn bản pháp lý điều chỉnh các hoạt động diễn ra trên không gian mạng, Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018 quy định cụ thể việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng với những nội dung thể hiện sự thống nhất với các văn bản quy bản quy phạm pháp luật trước đó, cụ thể:

  1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.
  2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp không để gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
  3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin mạng gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.
  4. Cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.
  5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng phải áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm trẻ em, quyền trẻ em.

Như vậy, hiện nay, việc bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng sẽ được thực thi với những chế tài pháp lý rõ ràng, đủ tính nghiêm minh và có sức răn đe mạnh mẽ với những hành vi vi phạm. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, Internet… là “ngăn chặn việc chia sẻ” và “xóa bỏ” thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em. Đây là điều rất cần thiết để có thể bảo vệ trẻ em kịp thời trước những thông tin bất lợi trên không gian mạng. Đồng thời góp phần đảm bảo việc trẻ em vào Internet, tham gia mạng xã hội sẽ được kiểm soát, bảo vệ tốt hơn với một hành lang pháp lý đầy đủ.

Trẻ em là đối tượng nhận được sự quan tâm, chăm sóc không chỉ của bố mẹ, gia đình mà còn của toàn xã hội. Trước những tác động tiêu cực do môi trường mạng mang lại đối với trẻ em, “cuộc chiến” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Những nhiệm vụ cấp bách đặt ra cùng sự nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ là giải pháp căn cơ góp phần đẩy lùi những nguy hại tác động, xâm hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh những chính sách pháp luật của Nhà nước thì sự nỗ lực của gia đình là công cụ hữu hiệu trực tiếp nhất để điều chỉnh nhận thức, thói quen sử dụng cũng như những nguy hại từ Internet tác động đến con trẻ. Vì vậy, thời gian tới, để bảo vệ trẻ em trước những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần thay đổi cách chăm sóc, nuôi dạy con trẻ phù hợp, hạn chế cho con tiếp xúc với mạng xã hội và Internet quá nhiều khi không cần thiết. Thường xuyên theo dõi và quản lý nội dung con trẻ truy cập để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tiếp cận nội dung xấu. Giáo dục cho trẻ em những những thủ đoạn phạm tội của đối tượng xấu trên Internet để hình thành trong chúng khả năng nhận biết, tự phát hiện, tự phòng ngừa và tự bảo vệ chính mình trước những mối nguy hại đe dọa hằng ngày, hằng giờ trên không gian mạng mà chúng có thể trở thành nạn nhân bất cứ khi nào.

[1] theo báo cáo mới nhất của UNICEF ngày 17/4/2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *