Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
30325

Quyền con người, quyền công dân giống và khác nhau như thế nào?

Quyền con người và quyền công dân là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không đồng nhất. Quyền công dân (citizen’s rights) là một khái niệm xuất hiện cùng Cách mạng tư sản. Cách mạng tư sản đã đưa con người từ địa vị những thần dân trở thành những công dân (với tư cách là những thành viên bình đẳng trong một nhà nước) và pháp điển hóa các quyền tự nhiên của con người dưới hình thức các quyền công dân. Như vậy, về bản chất, các quyền công dân chính là những quyền con người được các nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân của mình.

Tuy nhiên, quyền công dân không phải là hình thức cuối cùng và toàn diện của quyền con người. Với ý nghĩa là một khái niệm gắn liền với nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, được xác định thông qua một chế định pháp luật đặc biệt là chế định quốc tịch, quyền công dân là tập hợp những quyền tự nhiên được pháp luật của một nước ghi nhận và bảo đảm, nhưng chủ yếu dành cho những người có quốc tịch của nước đó. Không phải ai cũng được hưởng các quyền công dân của một quốc gia nhất định, và không phải hệ thống quyền công dân của mọi quốc gia đều giống hệt nhau, cũng như đều hoàn toàn tương thích với hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Ở nhiều góc độ, quyền con người là khái niệm rộng hơn quyền công dân. Về tính chất, quyền con người không bị bó hẹp trong mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước mà thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với toàn thể cộng đồng nhân loại. Về phạm vi áp dụng, do không bị giới hạn bởi chế định quốc tịch, chủ thể của quyền con người là tất cả các thành viên của gia đình nhân loại, bất kể vị thế, hoàn cảnh, quốc tịch…Nói cách khác, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể quyền.

Một cá nhân, ngoại trừ những người không quốc tịch, về danh nghĩa đồng thời là chủ thể của cả hai loại quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên, sự phân biệt trong thụ hưởng hai loại quyền này chỉ được thể hiện trong một số hoàn cảnh đặc biệt. Ví dụ, một người nước ngoài sẽ không được hưởng một số quyền công dân (và cũng là những quyền con người) đặc thù, chẳng hạn như quyền bầu cử, ứng cử…tuy nhiên, người đó vẫn được hưởng các quyền con người phổ biến (mà đồng thời cũng là các quyền công dân) áp dụng cho mọi thành viên của nhân loại trong mọi hoàn cảnh, cụ thể như quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *