Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
21589

Đảng và Nhà nước Việt Nam có quan điểm như thế nào về quyền con người?

Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về quyền con người có cội rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc luôn coi trọng tinh thần hòa hiếu, khoan dung, nhân đạo, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn. Đây là những giá trị văn hoá tiêu biểu đặc trưng của dân tộc Việt Nam được hun đúc, kết tinh trong cuộc sống, lao động, phát triển quan hệ với các quốc gia khác và đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm để giành cho mình những quyền và tự do cơ bản của con người.

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, mọi chủ trương, đường lối của Nhà nước Việt Nam đều hướng tới làm cho “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”; mọi chính sách, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước đều lấy người dân làm trung tâm, để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Quan điểm, chủ trương của Nhà nước Việt Nam về quyền con người thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, quyền con người là khát vọng và giá trị chung của toàn nhân loại. Quyền con người mang tính phổ biến nhưng khi áp dụng cần phù hợp đặc thù của các quốc gia, dân tộc. Do đó, khi tiếp cận vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với các điều kiện đặc thù về lịch sử, xã hội, văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, chế độ chính trị, trình độ phát triển ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia.Đồng thời, cần tiếp cận toàn diện, tổng thể tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị cũng như về kinh tế, xã hội, văn hóa.

Thứ hai, chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc tự quyết, quyền con người có mối quan hệ mật thiết và thống nhất với nhau. Thực thi quyền con người phải dựa trên cơ sở bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền quốc gia. Nếu dân tộc không được độc lập, chủ quyền quốc gia không được xác lập thì không thể có quyền con người.

Thứ ba, quyền con người là sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, giữa quyền và lợi ích cá nhân với quyền và lợi ích cộng đồng. Mọi người dân Việt Nam được thực hiện các quyền và tự do cá nhân mà pháp luật không cấm, nhưng việc thực hiện quyền và tự do cá nhân đó không được xâm phạm đến việc thụ hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và của cộng đồng.

Thứ tư, quyền con người liên quan mật thiết đến hòa bình, an ninh và phát triển; trong đó bảo đảm quyền con người là điều kiện tiên quyết để giữ gìn hòa bình, an ninh và phát triển bền vững; đồng thời một xã hội có hòa bình, ổn định và phát triển mới có thể tạo môi trường an toàn và nguồn lực cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy thực sự các quyền con người.

Thứ năm, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có thể có những khác biệt trong cách tiếp cận về quyền con người. Để thu hẹp khác biệt, tăng cường hiểu biết, Việt Namủng hộ đối thoại và mở rộng hợp tác về quyền con người, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời kiên quyết phản đối mọi biểu hiện áp đặt, sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *