Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
17740

Quốc hội thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi): Những thay đổi mang tính chất đột phá

 

 

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 17/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Kết quả cho thấy 92,34% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi).

Bao đảm cam kết hội nhập

Quá trình thực hiện Luật Đầu tư và một số luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường… Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi, mức độ cam kết cao hơn về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, thương mại  cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, trong đó có Luật Đầu tư nhằm bảo đảm thực hiện cam kết hội nhập. Một số vấn đề lớn mà các doanh nghiệp kỳ vọng có bước đột phá hơn trong Luật này là: tiếp tục bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục thực hiện dự án đầu tư…

Luật Đầu tư cũng đã có những điều chỉnh thông thoáng hơn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư

Về nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Theo đó,  luật bổ sung quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (khoản 5, 6 Điều 7 và khoản 2 Điều 8). Sửa đổi khoản 3, Điều 7 của Luật Đầu tư theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật. Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

 Đơn giản thủ tục hành chính

Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư,  Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo hướng: Ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề hoạt động đầu tư khác vào khoản 1, Điều 16, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành. Bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này (khoản 6, 7 và 8 Điều 15). Theo đó, áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật; không được bảo đảm đầu tư theo quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư trong trường hợp ưu đãi đầu tư được cấp hoặc kê khai trái quy định của pháp luật…

Đáng chú ý, loại bỏ dự án xây dựng nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng ưu đãi đầu tư để thống nhất với quy định của Luật Đất đai (điểm c khoản 5, Điều 15, dự thảo Luật). Bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế – xã hội.

Nhằm lược giản thủ tục hành chính, dự luật cũng đã có những điều chỉnh thông thoáng hơn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Theo đó, bãi bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với hộ gia đình, cá nhân để áp dụng thống nhất điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của các đối tượng này theo quy định của Luật Đất đai (khoản 2 Điều 33 ).

Nhằm đơn giản hóa thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Luật bổ sung quy định không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (khoản 1 Điều 23 ). Minh bạch hóa điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (gồm các điều kiện: dự án không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bảo đảm phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động…). Sửa đổi quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 27 ) theo hướng phân định rõ điều kiện, thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và điều kiện, thủ tục góp vốn, mua, bán cổ phần của công ty đại chúng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng  theo Luật Chứng khoán. Trường hợp pháp luật về chứng khoán không quy định về điều kiện, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư (khoản 2 Điều 27). Bãi bỏ thủ tục đăng ký trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện thống nhất thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần và thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký đầu tư (khoản 3 Điều 39). Ngoài ra, để thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật này bổ sung quy định yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN trong trường hợp đầu tư góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp có dự án đầu tư, kinh doanh trong một số địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, Luật quy định quyền của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô, nội dung dự án đầu tư; sáp nhập, tách dự án đầu tư; thay đổi nhà đầu tư; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư và các nội dung khác (khoản 1, Điều 41). Quy định rõ các trường hợp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 41). Bỏ quy định về giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư để thực hiện thống nhất thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và đồng bộ với quy định của Luật Đất đai (bãi bỏ Điều 46 Luật Đầu tư và nhập nội dung này vào Điều 41). Bổ sung biện pháp bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (ngoài biện pháp ký quỹ) nhằm mở rộng, đa dạng hóa các hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư (khoản 1 Điều 43). Bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế (khoản 2 Điều 45); làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư (Điều 43). Bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng…

Đăng Minh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *