Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16854

Quan hệ Mỹ – Trung có thể sa lầy đến mức nào?

Các diễn biến mới đang gia tăng những lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể tiến đến giai đoạn cắt đứt hoàn toàn quan hệ và thậm chí xung đột toàn diện trong vòng vài tháng tới.

Tuần trước, Bắc Kinh đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô, tây nam Trung Quốc để trả đũa việc Washington yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas chấm dứt hoạt động vài ngày trước đó vì các cáo buộc gián điệp. Theo giới quan sát, “cuộc chiến lãnh sự quán” giữa hai cường quốc xảy ra đúng vào lúc Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi chấm dứt “sự gắn kết”, một chính sách định hình mối quan hệ Mỹ – Trung suốt gần 5 thập niên qua và được xem như một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng nhất của đảng Cộng hòa thời gian gần đây.

Bước ngoặt quan hệ“Chúng ta, những quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới, cần phải bắt Trung Quốc thay đổi”, ông Pompeo nói trong một bài phát biểu hôm 23/7 tại một địa điểm đã được lựa chọn kỹ lưỡng là Thư viện và bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, bang California. Năm 1972, ông Nixon đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tiếp cận, đề nghị Trung Quốc hợp tác.

Quan hệ Mỹ - Trung có thể sa lầy đến mức nào?

Viết trên Thời báo Los Angeles, hai cây bút bình luận Alice Su và Tracy Wilkinson cho rằng, các diễn biến nói trên đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong quan hệ Mỹ – Trung. Suốt nhiều thập kỷ qua, hai cường quốc từng vượt qua các khác biệt cơ bản về hệ thống chính trị, không những để cùng tồn tại hòa bình, mà còn làm điểm tựa cho nền kinh tế toàn cầu và hợp tác trong nhiều vấn đề trọng yếu, kể cả chống biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh. Song, kỷ nguyên này dường như đã chấm dứt.

Hiện cả hai đảng đối lập chính ở Mỹ đều thống nhất rằng, nước này cần có chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Ngay cả các học giả lâu năm về Trung Quốc cũng như các nhà hoạch định chính sách Mỹ từng dành phần lớn sự nghiệp để xây dựng mối quan hệ gần gũi đại lục hơn, với hy vọng sự gắn kết đó sẽ khiến Bắc Kinh cải cách như Washington mong muốn, hiện cũng vỡ mộng.

Cùng lúc đó, cách tiếp cận kiểu “búa tạ” của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang đẩy Mỹ và Trung Quốc vào vòng xoáy của một cuộc chiến tranh lạnh mới và không còn chỗ để hai bên đối thoại.

“Dưới Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Pompeo và các quan chức khác trong chính quyền có vẻ đang theo đuổi các mục tiêu rộng hơn. Họ muốn tái định hướng mối quan hệ Mỹ – Trung thành đối đầu toàn diện, không thể đảo ngược bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới ra sao. Họ tin cách tái định hướng này là cần thiết để đưa Mỹ vào thế cạnh tranh nhằm đè bẹp đối thủ địa chiến lược trong thế kỷ 21”, Ryan Hass, người từng phụ trách quan hệ với Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Brookings nhận định trên báo Economic Times.

Ông Hass và những người đồng quan điểm cho rằng, cách tiếp cận như vậy của chính quyền Trump có thể phản tác dụng, khá mạo hiểm và tiềm ẩn nguy cơ đẩy hai nước tới xung đột về quân sự.

Leo thang căng thẳng

Một số nhà phân tích khác chỉ ra rằng, mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố bản thân “chơi rắn” với Bắc Kinh hơn bất kỳ lãnh đạo Nhà Trắng tiền nhiệm nào, nhưng ông cũng tự hào vì có mối quan hệ “bạn bè tốt” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cho mãi tới gần đây, chính quyền Trump cũng chủ yếu “ăn miếng, trả miếng” đại lục ở lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thông qua cuộc chiến thuế quan kéo dài gần 3 năm qua.

Tuy nhiên, khi nước Mỹ cận kề ngày tổng tuyển cử quốc gia vào tháng 11 và kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất là tin buồn cho tổng thống đương nhiệm (ông Trump đang tạm thua đối thủ – cựu Phó Tổng thống Joe Biden về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri), ông ngày càng gay gắt chỉ trích Trung Quốc và cho thực thi các đòn trừng phạt mạnh tay hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngoài lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, nhà chức trách Mỹ tuần trước đã truy tố 2 công dân Trung Quốc tội tấn công mạng cho các cơ quan tình báo của Bắc Kinh, đồng thời bắt giữ một nhà nghiên cứu Trung Quốc đang ẩn náu tại lãnh sự quán của nước này tại San Francisco. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc, nữ học giả nói trên là thành viên một mạng lưới gián điệp công nghiệp của Trung Quốc bám rễ khắp 25 thành phố thuộc xứ sở cờ hoa.

Trong vài tuần trở lại đây, căng thẳng giữa hai nước cũng leo thang vì các tranh cãi liên quan đến hàng loạt vấn đề, kể cả những khúc mắc đã tồn tại từ trước khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng. Chính quyền ông Trump đã cân nhắc hủy thị thực với một số du học sinh đến từ đại lục; giới hạn số phóng viên Trung Quốc thường trú trên đất Mỹ; lên án Bắc Kinh về nguồn gốc và cách ứng phó với đại dịch Covid-19; ký sắc lệnh chấm dứt các ưu đãi đặc biệt dành cho đặc khu Hong Kong; lần đầu tiên công khai tuyên bố các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là “bất hợp pháp” và tăng cường hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ tại vùng biển này để “ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực”.

Tất nhiên, Bắc Kinh đã cực lực phản đối các động thái của Washington, đồng thời đe dọa sẽ có biện pháp trả đũa xứng đáng. Theo tạp chí Politico, trong một cuộc gặp với người đồng cấp Đức hôm 24/7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đổ lỗi cho chính quyền ông Trump về tình trạng quan hệ song phương tồi tệ chưa từng thấy kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 4 thập kỷ. Ông Vương cáo buộc mục tiêu của Washington là ngăn chặn đà phát triển cũng như sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, nước có khả năng “soán ngôi vương” của Mỹ về ảnh hưởng địa, chính trị toàn cầu.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh, khi nước Mỹ điêu đứng về dịch bệnh và đối mặt với tình trạng chia rẽ, biểu tình bạo loạn lan rộng khắp toàn quốc, chính quyền ông Trump “rất cần một kẻ thù chiến lược để đoàn kết người dân trong nước” và đã chọn Trung Quốc cho vị trí đó. Giới chức và các học giả ở đại lục tin, đây là cách ông Trump đang cố ghi điểm trong mắt cử tri Mỹ khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy dư luận nước này đang mất dần thiện cảm với Trung Quốc.

Viễn cảnh đối đầu

Susan Shirk, cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, một cách thông thường để bắt đầu tháo ngòi nổ xung đột là hai nguyên thủ sẽ điện đàm như các lãnh đạo Mỹ – Trung trước đây từng làm vào thời điểm xảy ra khủng hoảng. Tuy nhiên, theo các quan chức Nhà Trắng, ông Trump và ông Tập đã ngưng trò chuyện với nhau kể từ tháng 3.

Chia sẻ trên Thời báo Los Angeles, bà Shirk nhận định, trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc có thể chọn kiềm chế và chờ đợi cho đến qua bầu cử tổng thống Mỹ, với niềm hy vọng biết đâu một chính quyền do ông Biden đứng đầu có thể thân thiện với Bắc Kinh hơn.

Tuy nhiên, trong viễn cảnh tồi tệ hơn, hai bên có thể tiếp tục các bước đi leo thang căng thẳng, chẳng hạn như trục xuất các nhà ngoại giao hay ra lệnh đóng cửa đại sứ quán của nhau. Trung Quốc cũng có thể gây sức ép về kinh tế, chẳng hạn như đe dọa ngưng mua đậu tương, mặt hàng thế mạnh Tổng thống Trump từng khoe đang thúc đẩy xuất khẩu để làm lợi cho các nông dân Mỹ, nhóm cử tri then chốt ủng hộ ông. Hiện không ai dám chắc, một khi bị dồn ép vào chân tường, ông Trump sẽ tiết chế hay hành động quả quyết hơn, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Bắc Kinh và thậm chí châm ngòi nổ cho xung đột quân sự giữa hai nước trước cả cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 trong một kịch bản xấu nhất.

Dù thế nào, hầu hết giới quan sát thống nhất rằng, với Tổng thống Trump đầy quyết đoán và cứng rắn trong khi Bắc Kinh nhất quyết không chịu nhượng bộ hay khuất phục áp lực từ Washington, quan hệ Mỹ – Trung khó có thể trở về thời kỳ lắng dịu như trước khi ông Trump lên nắm quyền, ít nhất trong tương lai gần.

Tuấn Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *