Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
16649

Quan chức ngoại giao Mỹ nói về Trung Quốc

Theo Mỹ, thế giới tạo điều kiện cho Trung Quốc tham gia các tổ chức quốc tế để rồi Bắc Kinh lại hướng các tổ chức này phục vụ quyền lợi của mình.

Trung Quốc (TQ) đang chăm chăm tìm kiếm và củng cố quyền lợi cho mình ở hầu hết lĩnh vực và thực tế này buộc Mỹ phải lên chiến lược đẩy lùi TQ ở gần như mọi mặt trận. Đây là lời của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Ấn Độ – Mỹ lần thứ ba do tổ chức phi lợi nhuận Diễn đàn đối tác và chiến lược Mỹ – Ấn (USISPF) tổ chức tuần này, theo báo Times of India.

Bước đi sai với Trung Quốc

Ông Biegun cho rằng trong một thời gian dài Mỹ và cộng đồng thế giới đã có sự nhân nhượng khi tạo điều kiện cho TQ hưởng một số đặc quyền và lợi ích để đạt mục tiêu kéo nước này vào thế giới hiện đại và cởi mở hơn. Chẳng hạn, ông Biegun nhắc tới việc tạo điều kiện cho TQ gia nhập nhiều thể chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo ông, hầu hết nhà hoạch định chính sách đã nghĩ rằng sức nặng của các tổ chức quốc tế mà TQ gia nhập sẽ dần dần điều chỉnh để nước này tôn trọng các trật tự dựa vào luật pháp hơn. Theo ông Biegun, các trật tự dựa vào luật pháp này ít nhất tiết chế được việc chính phủ TQ có xu hướng luôn muốn mình có lợi hơn trong quan hệ với các nước.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đi tới một kết luận là chủ trương này đã thất bại với TQ ở khắp tất cả mặt trận, theo ông Biegun. Thay vì có được sự cân bằng hợp lý cũng như được chia sẻ về quyền lợi thì Mỹ lại thấy TQ tận lực khai thác mọi cơ hội có thể có để thu lợi cho mình mà không màng đến các nước khác. Điều này xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, từ không minh bạch trong công nghệ đến yêu sách chủ quyền ở các lãnh thổ và lãnh hải của các nước khác, theo ông Biegun.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhận định về Trung Quốc - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lần gặp nhau tại Osaka (Nhật) năm 2019. Ảnh: REUTERS

Ông Biegun nhắc đến thái độ đối đầu đa phương của TQ với hàng loạt nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu vào cùng một thời điểm như “thù địch” với Ấn Độ, Đài Loan, cạnh tranh và thiếu hợp tác với Nhật, suy giảm quan hệ sâu sắc với Úc và New Zealand. TQ cũng đã có cuộc chiến ngôn từ với nhiều nước châu Âu về thông tin đại dịch COVID-19.

Trên tất cả điều này, ông Biegun cho rằng điều sai lầm lớn nhất là việc cộng đồng thế giới đã hy vọng TQ cuối cùng sẽ thay đổi sau khi tham gia các tổ chức đa phương quốc tế. Điều Mỹ nhận thấy là TQ đã phát triển nhanh chóng ngay từ đầu thế kỷ này, tới mức ảnh hưởng vượt qua cả ảnh hưởng của các tổ chức quốc tế nước này tham gia. Và rồi thay vì bản thân dần thay đổi thì TQ lại hướng các tổ chức này thay đổi phục vụ quyền lợi của mình, ông Biegun nhận xét.

Mỹ đã và sẽ làm thế nào?

Ông Biegun khẳng định thái độ và hành động trên của TQ là điều không thể chấp nhận được theo quan điểm của Mỹ và vì thế “chúng tôi sẽ đẩy lùi TQ”.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Ấn Độ – Mỹ, ông Biegun nói rõ: “Chiến lược của chúng tôi là đẩy lùi TQ trên gần như mọi lĩnh vực. Chúng tôi đang làm điều đó ở mặt an ninh. Chúng tôi đang làm điều đó với các tuyên bố chủ quyền quá đáng (của TQ – PV), dù là ở thung lũng Walley của Ấn Độ ở biên giới Ấn – Trung, hay ở Nam Thái Bình Dương”.

Theo lời ông Biegun, chính phủ Tổng thống Trump cũng đang chủ trương đẩy lùi TQ trên mặt trận kinh tế. Ông cho biết Tổng thống Trump đã và vẫn đang dẫn đầu tiến trình chống lại các chính sách kinh tế thiếu công bằng của TQ và thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ là bước đi đầu tiên trong tiến trình này. Tiếp theo Mỹ sẽ có thêm nhiều bước đi khác nữa trong những năm tới để làm cho quan hệ kinh tế Mỹ – Trung công bằng hơn cũng như cân bằng hơn. Ông cho rằng điều này là yêu cầu nền tảng cho một quan hệ lành mạnh, có đi có lại.

Cũng theo ông Biegun, Mỹ sẽ nỗ lực chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Tài sản trí tuệ thế giới…  để đảm bảo các tổ chức này tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi. Nếu không, Mỹ sẽ không tham gia các tổ chức này nữa.

Thiên Ân

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *