Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
19968

QCN của phạm nhân nữ là những quyền tự nhiên, vốn có được pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm

 

QCN được coi là một thành tựu to lớn của lịch sử nhân loại, đó là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất của nền văn hóa nhân loại. QCN được hình thành và phát triển là nhờ vào sự đóng góp trí tuệ của các quốc gia, dân tộc và cá nhân mỗi con người thông qua một quá trình phát triển nhận thức và tiến bộ xã hội lâu dài. Trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, phong trào đòi quyền cho phụ nữ trên thế giới vẫn liên tục phát triển, mục tiêu cuối cùng của hoạt động này là nhằm giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, lên án mọi hành động phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1945, LHQ đã quan tâm trú trọng thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới và phát triển quyền của phụ nữ. LHQ đã thông qua nhiều chuẩn mực pháp lý quốc tế nhằm đảm bảo bình đẳng giới và QCN cho phụ nữ. Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của những điều kiện lịch sử, văn hóa, phụ nữ Việt Nam không chỉ có vai trò quan trọng trong gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục con cái mà còn có vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đối với phạm nhân, do địa vị pháp lý và hoàn cảnh sống của họ đã bị thay đổi về cơ bản, họ bị hạn chế và bị tước một số quyền tự do nhưng họ vẫn có tư cách con người, nên họ có đầy đủ nhu cầu, lợi ích, phẩm giá của con người với tư cách là một thực thể tự nhiên, xã hội. Bất kể mức độ phạm tội hay lý do bị bắt giam, phạm nhân vẫn được hưởng các QCN theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quyền chung của người chấp hành án, phạm nhân còn có các quyền riêng được Luật THAHS – 2019 quy định tại điều 27, như sau:

Phạm nhân có các quyền:

– Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

– Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

– Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

– Được lao động, học tập, học nghề;

– Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

– Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật;

– Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

– Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;

– Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

– Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

Tuy nhiên, đối với phạm nhân, họ có một số quyền bị mất hoặc bị hạn chế, cụ thể:

Những quyền bị hạn chế, gồm: Quyền gặp gỡ gia đình (Điều 12, Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền); Quyền hưởng cuộc sống gia đình của các bà mẹ và trẻ em đòi hỏi phải có một chế độ đặc biệt. (Khoản 2, Điều 25, Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền); quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Những quyền bị mất, gồm: Quyền tự do đi lại và tự do cư trú (Điều 13, Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền), Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí (Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền); Quyền hội họp và lập hội (Điều 19, Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền, Điều 20); quyền tự do kinh doanh; Quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước (Điều 21, Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền), đây cũng là một trong những quyền mà phạm nhân là người chưa thành niên, người nước ngoài không có.

Đối với phạm nhân nữ cũng vậy, những nhu cầu, lợi ích của họ là những quyền họ đương nhiên có với tư cách là một thực thể tự nhiên. Bởi vì họ là con người nên họ được hưởng những quyền đó và Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc đảm bảo những quyền đó được thực hiện. Đó là quyền sống; quyền được học tập văn hóa, học nghề; quyền lao động; quyền bình đẳng; quyền được bảo đảm an ninh xã hội; quyền không bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa.

Từ những nội dung đã phân tích, có thể hiểu: QCN của phạm nhân nữ là những quyền tự nhiên, vốn có được pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm trong suốt quá trình họ chấp hành án phạt tù.

Như vậy, phạm nhân nữ vẫn luôn có những quyền cơ bản của con người, và đó là những quyền tự nhiên, vốn có. Tuy nhiên, phạm nhân nữ không có đầy đủ các quyền như những công dân khác trong xã hội, mà bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền nhất định. Quyền của phạm nhân nữ chỉ xuất hiện trong thời gian chấp hành án phạt tù đến.

– Khái niệm bảo đảm Quyền con người của phạm nhân nữ

QCN là những quyền tự nhiên, vốn có của mỗi người, tuy nhiên để được đảm bảo thì những quyền đó phải được ghi nhận bằng hệ thống quy phạm pháp luật tại mỗi quốc gia. Và cũng chỉ thông qua pháp luật thì QCN mới được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện.

Việc bảo đảm QCN gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể nhất định trong việc áp dụng tổng hợp các biện pháp về pháp lý, chính sách, thể chế và các biện pháp khác để hiện thực hóa các nguyên tắc và tiêu chuẩn về QCN đã được pháp luật công nhận trong các hoạt động quản lý Nhà nước hoặc các chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Theo nguyên tắc đã được thừa nhận phổ biến, Nhà nước có nghĩa vụ hàng đầu trong việc bảo đảm QCN. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức khác như: Các tổ chức quốc tế; các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các gia đình, cá nhân… tùy theo vị thế của mình cũng có nghĩa vụ bảo đảm quyền. Các cấp độ của nghĩa vụ bảo đảm QCN gồm: Ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. Phù hợp với nguyên tắc này, tại Khoản 1, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tất cả các QCN về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Phạm nhân nói chung và phạm nhân nữ nói riêng, sau khi bị cách ly xã hội họ phải sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị vi phạm các quyền đã được pháp luật công nhận, như: Tra tấn, các hình thức phân biệt đối xử, đối xử tàn nhẫn vô nhân đạo, hạ nhục. Đôi khi chính bản thân họ cũng không nhận thức được những QCN mà mình được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Chính vì vậy, để bảo đảm được các quyền của phạm nhân nói chung và phạm nhân nữ nói riêng theo mục tiêu mọi phạm nhân phải được đối xử với sự tôn trọng theo đúng nhân phẩm vốn có và giá trị của họ với tư cách con người, đòi hỏi các quốc gia phải thi hành tổng hợp nhiều biện pháp, đặc biệt là đề cao trách nhiệm pháp lý các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, của cán bộ thực thi pháp luật trong việc tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế về tôn trọng, bảo vệ các quyền của phạm nhân trong suốt thời gian thi hành án.

Qua các nội dung đã phân tích, có thể hiểu: Bảo đảm QCN của phạm nhân nữ là việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cán bộ thực thi pháp luật áp dụng tổng hợp các biện pháp nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật về QCN đối với phạm nhân nữ trong thời gian họ chấp hành án phạt tù.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *