Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
624

Phòng chống mua bán người: Chung tay nâng cao nhận thức cộng đồng

Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người có những diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, từng bước ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm mua bán người, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Số vụ mua bán người gia tăng, thủ đoạn tinh vi

Ngày 27/6, Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người (111) đã tiếp nhận cuộc gọi của anh T.V.Đ (dân tộc Nùng) ở huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang về việc con gái là T.T.N sinh năm 2010 bị lừa vào làm tại nhà nghỉ Linh Nga ở đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng. Ở đây, cháu N bị ép rót rượu, phục vụ khách ở quán hát; bị ép bán dâm và đe dọa nếu không làm thì sẽ bị dìm xuống nước. Gia đình mong muốn đường dây nóng hỗ trợ để giải cứu cháu N.

Ngay khi nhận được thông tin, Đường dây nóng đã kết nối với Trung tâm Công tác xã hội Hải Phòng và Phòng Phòng, chống mua bán người (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đề nghị xác minh và hỗ trợ cháu N. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an sử dụng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để điều tra xác minh và giải cứu cháu N an toàn, bàn giao cho gia đình đưa về Hà Giang.

Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người (111).

Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trong năm 2023, Đường dây nóng Phòng, chống mua bán người (111) tiếp nhận 1.781 cuộc gọi. Trong đó có 1.365 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của Đường dây nóng và phòng, chống mua bán người; 337 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 79 ca chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ cho 87 nạn nhân của mua bán người.

Theo Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, chỉ làm việc trong văn phòng, trên máy tính; dụ dỗ yêu đương; môi giới hôn nhân; nhận con nuôi… để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.

Nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người

Hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7), nhiều địa phương tại Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, tổ chức chương trình tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người, đặc biệt là với những đối tượng yếu thế, phụ nữ và trẻ em.

Vở kịch “Đường đến tương lai” nằm trong chuỗi hoạt động phòng, chống mua bán người của tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Báo Lào Cai)

Ngày 27/7, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Lào Cai tổ chức chuỗi hoạt động phòng, chống mua bán người. Tại phiên chợ của thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, Lào Cai), vở kịch “Đường đến tương lai” đã thu hút đông đảo người xem bởi nội dung đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các hành vi, thủ đoạn lừa gạt của tội phạm mua bán người. Cũng tại chương trình, Công an tỉnh Lào Cai chia sẻ bằng tiếng Mông về thực trạng, tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn người dân tham quan gian trưng bày tranh, ảnh, sách liên quan.

Trước đó, ngày 22/7, Công an huyện Sìn Hồ (Lai Châu) phối hợp với UBND xã Tả Ngảo tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người cho gần 60 quần chúng nhân dân trên địa bàn xã. Tại đây, Công an huyện Sìn Hồ tập trung tuyên truyền các nội dung nâng cao nhận thức người dân về phương thức, thủ đoạn mua bán người; các dấu hiệu nhận biết, hậu quả khi trở thành bị hại của tội phạm mua bán người; biện pháp phòng tránh và các hình thức xử lý đối với loại tội phạm này.

Hình thức tuyên truyền thông qua hình ảnh, video phóng sự trực quan, sinh động và những câu chuyện thực tế được rút ra từ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người của lực lượng công an đã giúp người dân tham gia hiểu được mức độ nghiêm trọng của tội phạm mua bán người đối với bản thân bị hại, gia đình và xã hội. Qua đó biết cách tự bảo vệ bản thân và gia đình, đồng thời tích cực tham gia tố giác, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người do Công an huyện Sìn Hồ (Lai Châu) tổ chức.

Tại Quảng Ngãi, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng được triển khai với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 40 đợt tuyên truyền, với hơn 3.200 lượt người tham gia. Các tổ tuyên truyền của Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền trên không gian mạng, viết 65 tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức 14 hội nghị tập huấn, triển khai tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức 13 hội nghị tập huấn, tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống mua bán người, với hơn 9.500 lượt người tham gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 21 buổi tuyên truyền, với hơn 1.600 lượt cán bộ, nhân dân tham gia…

Theo đại diện Cơ quan phòng, chống tội phạm mua bán người tại Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian tới, dự báo cuộc chiến phòng, chống tội phạm mua bán người sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng khi nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của người dân tăng cao. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các trang mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho việc trao đổi thông tin, song cũng là phương tiện để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động, lừa gạt dụ dỗ nạn nhân.

Do vậy, cần sự tiếp tục vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể quần chúng, các ban, ngành và toàn dân từ Trung ương đến địa phương cùng nhau cam kết và biến cam kết thành hành động, để mỗi thành viên trong cộng đồng phải là một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống nạn mua bán người.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *