Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
11441

Phó Thủ tướng: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông càng chậm càng gây thất thoát

Sáng nay (24/12), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới dự.

Phó Thủ tướng: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông càng chậm càng gây thất thoát - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hội nghị tổng kết của Bộ Giao thông vận tải diễn ra sáng 24/12

Đề cập tới Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết mặc dù thời gian qua việc triển khai dù rất nỗ lực nhưng dự án đến nay vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.

Theo Phó Thủ tướng, đường sắt khác với đường bộ. Đường bộ làm xong có thể thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác, sử dụng. Thậm chí, có dự án sử dụng 1-2 năm vẫn chưa bàn giao; có những công trình đường bộ chưa xong thủ tục đã đưa vào khai thác, vì đường bộ an toàn và không nguy hiểm như đường sắt.

“Đường sắt có những yếu tố đặc thù, đặc biệt là phải thử nghiệm an toàn thì mới có thể khai thác sử dụng” – Phó Thủ tướng nói và cho biết: “Tôi đã ngồi trên tàu Cát Linh – Hà Đông đi thử mấy lần rồi nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động”.

Phó Thủ tướng cho rằng phải có bản lĩnh và đưa dự án vào khai thác. “Phải tập trung đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác, càng chậm thì càng kém hiệu quả, gây những thất thoát vô hình, thất thoát không vào Nhà nước, không vì mất hay vào ai cả…” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Phó Thủ tướng: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông càng chậm càng gây thất thoát - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang vận hành thử nghiệm (ảnh: Tiến Tuấn)

Cần phải nói thêm rằng, theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện Dự án là 11/2008 tới 11/2013, với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD. Tuy nhiên, Dự án đã “lỡ hẹn” đến tháng 4/2010 mới được động thổ và tháng 10/2011 mới chính thức triển khai.

Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của Dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu.

Với chiều dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên  cao, Dự án vận hành thử liên động vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019. Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị “phá sản” do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về Dự án.

Hiện nay, Dự án đang được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong 20 ngày, từ ngày 12/12 – 31/12/2020. Bộ GTVT dự kiến đến ngày 20/1/2021 sẽ kết thúc quá trình đánh giá an toàn về dự án, để bàn giao cho UBND TP.Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay nhu cầu giao thông công nghệ, hệ thống đường sắt đô thị kết nối ở các đô thị lớn là rất cần thiết: “Hà Nội đang quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị, TP.HCM 8 tuyến, cả 2 thành phố này cần từ 70-80 tỷ USD để xây dựng hoàn thiện các dự án. Nhu cầu tương lai với loại hình này nói riêng là rất lớn nhưng kinh phí, ngân sách Nhà nước hạn chế”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các địa phương kêu gọi đầu tư, xây dựng hoàn thiện các hệ thống pháp luật, giúp các nhà đầu tư tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục để sớm đưa các dự án vào triển khai, sớm hoàn thiện phục vụ người dân.

Châu Như Quỳnh

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/pho-thu-tuong-duong-sat-cat-linh-ha-dong-cang-cham-cang-gay-that-thoat-20201224114602654.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *