Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
15712

Phát hiện sớ cầu siêu dài 12m

Ngày 31.7, ông Phạm Bình Vương, Phòng Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho biết: Trong thời gian nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ công nhận Tổ đình Bác Ái (ở P.Quyết Thắng, TP.Kon Tum) là di tích lịch sử cấp quốc gia, đã phát hiện một sớ cầu siêu đặc biệt.

Sớ này là một bản ghi chép tên những dòng họ ở Kon Tum bằng chữ Hán Nôm, dài 12 m, rộng 0,45 m và có gần 5.000 chữ. Đây được cho là một phát hiện quan trọng, có giá trị rất lớn.

Phát hiện sớ cầu siêu dài 12m - ảnh 1

Bản sớ dài 12 m

Theo hòa thượng Thích Chánh Quang, trụ trì đời thứ 4 tại Tổ đình Bác Ái, năm 1931 các tỉnh Trung bộ bị hạn hán liên tiếp gây nên nạn mất mùa, thực phẩm khô cạn, đồng bào các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi đổ xô lên Kon Tum kiếm sống. Hơn 70% người di cư đã chết đói dọc đường, số còn lại đến được miền đất hứa, họ khai hoang trồng trọt, lập làng.

Năm 1932, ông Võ Chuẩn (1896 – 1956), quan Quản đạo Kon Tum, đã lập “Âm linh miếu” ở phía bắc TP.Kon Tum để thờ những nạn nhân xấu số. Đồng thời để an lòng dân, ông Võ Chuẩn đã thỉnh hòa thượng Hoằng Thông, thủ tọa chùa Bạch Sa (Quy Nhơn, Bình Định) lên làm lễ cầu siêu và cung thỉnh khai tự. Ngôi chùa dựng lên trên nền rừng khai hoang, vách đất mành tre trở thành nơi thờ phụng đầu tiên của cả phật tử người Kinh và đồng bào thiểu số quanh vùng. Đây là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tại Tây nguyên và là nơi ghi dấu sự hiện diện vị vua cuối cùng của triều Nguyễn (vua Bảo Đại) ngự giá ban sắc, đặt tên là “Sắc tứ Bác Ái tự” vào năm 1933.

Tổ đình Bác Ái là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Tây nguyên /// Ảnh: Đức Nhật

Tổ đình Bác Ái là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại Tây nguyên
ẢNH: ĐỨC NHẬT

Rằm tháng bảy năm 1953, Tổ đình Bác Ái tổ chức cúng Vu lan, cầu siêu báo hiếu. Điều đặc biệt nhất trong đại lễ năm đó, các phật tử đã soạn bản sớ dài 12 m, ghi chép họ, tên, gia phả những người đã khuất ở Kon Tum, với gần 5.000 chữ. Theo ông Phạm Bình Vương, bản sớ có giá trị về phục vụ nghiên cứu sự hình thành và phát triển vùng đất Kon Tum. Bên cạnh đó, nó còn là một di sản Hán Nôm có giá trị và còn được lưu truyền đến ngày nay.

Đức Nhật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *