Đây là dự thảo quy định mới này của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gây sức ép buộc các mạng xã hội và các công ty công nghệ có trách nhiệm hơn trong việc xử lý, ngăn chặn thông tin bạo lực và cực đoan, tác động xấu tới người dùng Internet.
Gọi đây là một dấu mốc quan trọng trong việc giúp ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas cho biết đã hoàn thiện dự thảo quy định mới và sẽ trình các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) xem xét thông qua ngày 15-12.
Theo đó, các quy định này có hiệu lực trên toàn liên minh nhằm tạo ra công cụ mới, hiệu quả và nhanh chóng giúp nhanh chóng gỡ các bài viết có nội dung cổ xúy khủng bố trong chưa đến một giờ đồng hồ sau khi bị “đánh dấu”. Cùng với đó, các nước thành viên EU cũng sẽ ghi lại và số hóa dữ liệu xuất-nhập cảnh giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen với bên ngoài, và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia thứ 3 nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố.
Pháp, quốc gia đang đi đầu trong phong trào chống cực đoan ở châu Âu còn tiết lộ một kế hoạch hành động cứng rắn là điều tra hoạt động của 76 nhà thờ Hồi giáo. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khẳng định, đến nay, nước này vẫn duy trì tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất và chính phủ đang triển khai một loạt biện pháp “quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ” nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan mang màu sắc tôn giáo.
Đồng quan điểm này, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng EU cần có một kế hoạch đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm đối phó với các tay súng thánh chiến người nước ngoài, cũng như những đối tượng muốn gia nhập tổ chức khủng bố.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thì đề xuất, muốn ngăn chặn các mối đe doạ xuất phát từ những phần tử bị tiêm nhiễm các tư tưởng tôn giáo cực đoan và thực hiện vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc”, phải có sự hợp lực từ các cơ sở tôn giáo. Quan điểm của ông Charles Michel là khu vực này cần thành lập một học viện đào tạo các giáo sĩ Hồi giáo “càng sớm càng tốt” để đảm bảo thông điệp mà các giáo sĩ truyền đạt đến các tín đồ không có tư tưởng thù hận.
Hãng tin Bloomberg cho hay, 2 dự luật mới mang tên Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số. Theo đó, các dự luật sẽ tạo ra khái niệm “những người gác cổng” trực tuyến, trong đó bao gồm một danh sách những điều được phép và không được phép làm đối với các công ty mà EU đánh giá là cần một chế tài đặc biệt để quản lý. Các hạn chế mới buộc các công ty phải chia sẻ thông tin với các đối thủ và các nhà quản lý, cũng như không được phép quảng bá dịch vụ và sản phẩm một cách không công bằng.
Hãng Reuters nhận định, các tiêu chí xác định “người gác cổng” trực tuyến kiểm soát quyền truy cập vào con người, dịch vụ và thông tin sẽ nhằm vào các Tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ gồm Google, Facebook, Apple và Amazon. Dự thảo quy tắc cũng đưa ra danh sách những việc nên làm, không nên cho người giữ cổng kỹ thuật số và một trong những tiêu chí cho một người gác cổng sẽ là số lượng người dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp ở cấp độ toàn châu Âu.
Một điểm đáng chú ý trong dự luật mới này là các mạng xã hội và nền tảng công nghệ khác có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu họ không tuân thủ lệnh xóa nội dung tuyên truyền khủng bố hoặc các bài đăng bất hợp pháp khác và các nền tảng công nghệ cũng sẽ phải cung cấp cho cơ quan quản lý thông tin về cách họ xử lý các nội dung có hại khác.
Trước đó, vào hồi tháng 4 năm 2019, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu từng thông qua dự luật phạt 4% doanh thu toàn cầu đối với những công ty mạng xã hội như Facebook, Google và Twitter nếu họ không gỡ bỏ nội dung độc hại, mang tính cực đoan trong vòng 1 giờ sau khi nhận được thông báo từ cơ quan chức năng”. Giới quan sát tính toán, nếu Facebook bị phạt tối đa 6% doanh thu theo quy định mới, mạng xã hội này có thể bị thiệt hại 4,2 tỷ USD (dựa trên doanh thu năm 2019).