Ông Joe Biden từng có một niềm tin rằng Trung Quốc sẽ chơi sòng phẳng, theo luật khi lớn mạnh, nhưng 20 năm sau ông nhận ra sự thật phũ phàng.
Theo báo New York Times, năm 2001 thượng nghị sĩ Joe Biden lầu đầu tiên đi công tác nước ngoài trên cương vị chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Tại Bắc Đới Hà, Trung Quốc, ông mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ – Trung bằng cách thiết lập liên kết thương mại giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Hoa Kỳ chào đón sự trỗi dậy của một Trung Quốc thống nhất, thịnh vượng trên trường quốc tế, vì chúng ta mong chờ đây là lúc Trung Quốc hành xử theo luật pháp quốc tế”, ông Biden nói với Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân.
Trở về Washington sau chuyến đi, ông lặp lại cùng thông điệp trước báo giới: “Mỹ chào đón Trung Quốc trỗi dậy như một siêu cường, vì siêu cường phải tuân thủ luật quốc tế trong các lĩnh vực như quyền con người, thương mại, không phổ biến hạt nhân…”.
20 năm sau…
Trung Quốc quả thật trỗi dậy thành một siêu cường, chỉ có điều trong mắt người Mỹ bây giờ họ là một đối thủ nguy hiểm chứ không còn là đối tác. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều thừa nhận Bắc Kinh đã lợi dụng sự hội nhập toàn cầu mà ông Biden và nhiều quan chức Mỹ khác mang lại cho họ.
Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung “kiểu mới” – theo cách nhìn từ Washington – cuốn theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11-2020. Đây cũng là lần đầu sau nhiều năm, ông Joe Biden cho thấy một cái nhìn, ngôn ngữ khác về Trung Quốc.
Ông Biden dọa nếu thắng cử sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc dám bịt miệng người dân và doanh nghiệp Mỹ. “Mỹ cần cứng rắn với Trung Quốc”, ông nêu quan điểm.
Chặng đường 20 năm từ “lạc quan” đến “lên án” của ông Biden phản chiếu đúng những gì quan hệ Mỹ – Trung đã và đang trải qua, từ nồng ấm ngày xưa cho đến thất vọng, giận dữ ngày nay.
Trong bài viết năm 2018 đăng trên tạp chí Foreign Affairs, Kurt M. Campbell và Ely Ratner, 2 cựu quan chức cố vấn cho ông Biden dưới thời tổng thống Obama, tiết lộ tất cả chính quyền (tổng thống) Dân chủ và Cộng hòa đều có lỗi trong những sai lầm chính sách căn bản về Trung Quốc.
“Xuyên suốt phổ ý thức hệ, chúng tôi trong cộng đồng làm chính sách đối ngoại Mỹ luôn bám lấy những kỳ vọng về Trung Quốc – về cách họ tiếp cận kinh tế, chính trị trong nước, an ninh và trật tự toàn cầu – mặc dù bằng chứng chống lại (Trung Quốc) ngày càng nhiều.
Những chính sách xây dựng trên niềm tin đó đã không thể thay đổi Trung Quốc theo cách chúng tôi mong muốn hoặc hi vọng”, hai cựu cố vấn viết.
Một mặt tránh đề cập đến những quan điểm sai về Trung Quốc trước đây, những ngày này ông Biden không còn nhắc đến chuyện “thay đổi” Trung Quốc nữa, mà là khôi phục nước Mỹ, từ đó mới có chỗ đứng huy động các quốc gia cùng chí hướng khắc chế Trung Quốc.
Trong số những ưu tiên của ông Biden là xây dựng lại các khối đồng minh và giá trị dân chủ, riêng kế hoạch kinh tế “Xây lại tốt hơn” dự kiến thúc đẩy đầu tư trong các ngành công nghiệp và nghiên cứu của Mỹ, một phần để cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông nhìn thấy một số lĩnh vực Washington và Bắc Kinh còn có thể hợp tác là chống biến đổi khí hậu, an ninh sức khỏe và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Biden chưa có câu trả lời rõ ràng làm cách nào 2 siêu cường phụ thuộc kinh tế lẫn nhau có thể giải quyết những bất đồng lớn về tư tưởng.
Quan hệ Mỹ – Trung đang ở mức thấp nhất kể từ ngày thiết lập quan hệ năm 1979. Đến nước này nhưng Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng tốc các chính sách kiểm soát trong nước, dùng sức mạnh vũ lực ở Hong Kong, Biển Đông và nhiều nơi khác.
Nhìn từ Washington thì đây chẳng khác nào hành động công khai thách thức Mỹ.
Phúc Long