Ban Biên tập xin gửi tới các bạn bản dịch bài báo “France should compensate Vietnam for colonization” của nhà nghiên cứu Muhammet Ali Güler, nghiên cứu sinh đang theo học tại Đại học Malaya, Malaysia do ông Ngô Mạnh Hùng biên dịch
===
Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước. Napoleon III được coi là “chủ mưu” đằng sau chính sách thực dân hóa Việt Nam và các khu vực lân cận. Thời kỳ Pháp thuộc tại Việt Nam kéo dài từ năm 1857 đến tận năm 1954, khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc sau Hiệp định Geneva. Từ năm 1941 – 1945, Việt Nam bị đế quốc Nhật chiếm đóng. Có hai lý do chính để Pháp chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Lý do thứ nhất là Pháp muốn khôi phục danh tiếng đang bị suy giảm và vì vậy đã tìm cách đánh chiếm một quốc gia yếu hơn. Lý do thứ hai là Pháp muốn khai thác các nguồn tài nguyên của Việt Nam.
Kể từ khi bắt đầu chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam, luôn có các phong trào kháng chiến của người Việt Nam. Một số nhân vật tiêu biểu chống lại sự chiếm đóng của Pháp như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Đã có một số hình thức kháng chiến về ý thức hệ, quân sự và xã hội, như là chủ nghĩa yêu nước, mong muốn được độc lập và những điều này đã giúp duy trì việc tuyên truyền chống Pháp kể từ khi Pháp bắt đầu chiếm đóng.
Người Việt Nam đã phải nếm trải những chính sách đàn áp và cứng rắn của thực dân Pháp, bao gồm giáo dục chỉ dành cho một số ít người được hưởng đặc quyền. Đại đa số người Việt Nam bị mù chữ, trong khi những người được giáo dục cũng chỉ nắm giữ các vị trí thấp trong chính quyền chuyên chế của thực dân Pháp. Trong khi đó, có nhiều chính sách phân biệt đối xử về mặt xã hội, chính trị và kinh tế đối với người dân Việt Nam. Những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam và những người với chương trình tuyên truyền yêu nước đã góp phần cho cuộc đấu tranh của những người Cộng sản giành chiến thắng. Vì vậy, có thể nói chủ nghĩa Cộng sản với sự tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc đóng một vai trò quan trọng trong việc giải phóng nhân dân Việt Nam.
Sau thất bại của người Nhật năm 1945, có một cuộc đấu tranh quyền lực giữa người Pháp và người Việt dẫn tới cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kéo dài từ năm 1946 đến năm 1954. Ở khu vực Đông Dương, tức ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, cả văn hóa của Ấn Độ và Trung Quốc đều có mặt ở đây. Việt Nam cuối cùng đã biến thành một chiến trường giữa những người yêu nước theo chủ nghĩa Cộng sản, với sự trở lại của chủ nghĩa thực dân. Người Pháp đã tìm cách giữ các thuộc địa của mình dưới cái tên liên hiệp Pháp, bao gồm ba quốc gia Đông Dương, trong khi Việt Minh đấu tranh vì tự do. Trong thế kỷ 19, cuộc kháng chiến của Việt Nam đã làm “bẽ mặt” nước Pháp. Người Pháp được cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế từ người Mỹ nhằm tiêu hao và làm suy yếu cuộc kháng chiến của Việt Nam. Tuy nhiên, những người Việt Nam vô tội và dũng cảm đã chống lại mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, khi trở thành những kẻ chiếm đóng, người Pháp không thể so về thực lực với nước Anh. Chính tham vọng xâm lược và khai thác tài nguyên khoáng sản đã dẫn Pháp tới các khu vực yếu hơn như Đông Dương.
Phong trào Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đóng một vai trò to lớn trong việc kháng chiến thành công, chấm dứt chiến tranh. Một chiến thắng quan trọng chính là cuộc tấn công quyết định của Việt Minh vào căn cứ của Pháp tại Điện Biên Phủ. Trong khi chiến thắng này đánh dấu kết thúc sự hiện diện của người Pháp tại Việt Nam, người Việt Nam vẫn chưa thể giành độc lập hoàn toàn. Việt Nam phải gánh chịu thêm 20 năm Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước khi có thể hưởng niềm vui thái bình và tái thiết hai miền Nam Bắc, được thống nhất vào năm 1975. Sau Hiệp định Geneva, gần 130.000 binh sĩ Pháp đã từ Bắc chuyển vào miền Nam, trong khi khoảng 50.000 – 90.000 bộ đội Việt Nam chuyển từ Nam ra Bắc. Dự kiến, quá trình thống nhất hai miền Nam Bắc chỉ kéo dài vài năm, nhưng thay vào đó, đã kéo dài hơn 20 năm.
Người Việt Nam xứng đáng với chủ quyền của họ cho dù họ theo đường lối dân chủ hay cộng sản chủ nghĩa. Các lực lượng ở Việt Nam chiến đấu vì nhiều mục đích; người Việt Nam chiến đấu vì tự do, người Mỹ tham chiến nhằm kiềm chế chủ nghĩa cộng sản quốc tế và người Pháp muốn duy trì ưu thế thuộc địa của mình. Cuối cùng, hàng triệu người dân Việt Nam vô tội đã thiệt mạng hoặc mất nhà cửa trong suốt những năm tháng đó.
Lòng tham của phương Tây đã buộc Việt Nam phải tìm kiếm sự hỗ trợ của cả Trung Quốc và Liên Xô trong những năm tháng đó. Điều này sau đó đã tạo ra một cuộc xung đột về quân sự, kinh tế và chính trị giữa người Mỹ và người Việt Nam, trong đó Mỹ nhằm mục tiêu ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản, trong khi người Việt Nam muốn loại bỏ tất cả những kẻ thực dân trên mảnh đất của họ. Trong khi cuộc đấu tranh vì tự do bị người Mỹ coi là “nổi dậy”, người Việt Nam được coi là những người cộng sản khi họ tìm đến Trung Quốc và Liên Xô để đề nghị giúp đỡ.
Việt Nam và Pháp không có sự tương đồng về văn hóa, tôn giáo hay ngôn ngữ. Pháp, cũng như các chế độ thực dân châu Âu khác, không có bất kỳ mối liên hệ nào với các thuộc địa của họ, đã xâm chiếm Việt Nam để khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ lợi ích của họ. Sự giàu có của Việt Nam đã bị cướp bóc trong suốt thời kỳ thuộc địa của những kẻ thực dân Pháp tham lam. Không chỉ là vàng, bạc và các kim loại quý hiếm khác là mục tiêu của những kẻ thực dân, người Pháp còn cướp bóc các khu lăng mộ cổ của các hoàng đế Thiệu Trị, Minh Mạng và Gia Long.
Đó là một chiến thuật phổ biến của những kẻ thực dân phương Tây nhằm sử dụng những binh sỹ không phải người Pháp từ các vùng thuộc địa để tấn công các nước thuộc địa khác. Theo “Bách khoa toàn thư về Chiến tranh Việt Nam: Lịch sử chính trị, xã hội và quân sự”, tổng số binh sĩ không phải người Pháp vào khoảng 120.000 người, trong đó 20.000 phục vụ đội ngũ lính lê dương, 30.000 binh sĩ ở Bắc Phi và khoảng 70.000 là lính Việt Nam. Trong khi đó, tổng số binh sĩ Pháp trong Quân đội Pháp chỉ khoảng 54.000 người, gồm 10.000 lính không quân và khoảng 5.000 lính hải quân. Khi Việt Nam đánh bại Pháp năm 1954, có khoảng 20.000 lính châu Phi trên đất Việt Nam. Kết quả là một cuộc chiến xung đột kéo dài hàng thập kỷ, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản.
Người dân Việt Nam xứng đáng được yêu cầu bồi thường từ Chính phủ Pháp, Ấn Độ đã làm điều tương tự khi yêu cầu Anh bồi thường vì 200 năm thực dân Anh cai trị đã đánh cắp của cải của Ấn Độ.
Hiếu Ngọc