NÓI THẲNG: Cứu trợ miền Trung sợ nhất điều gì?
Sạt lở đất, lũ lụt, và… từ thiện ở miền Trung là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất – cả trên báo chính thống và mạng xã hội những ngày qua. Cứu trợ miền Trung sợ nhất điều gì?
Cũng như lòng yêu nước được khơi dậy mãnh liệt khi đất nước lâm nguy, chiến tranh, giặc giã; lòng trắc ẩn thường được khơi dậy trong thiên tai, bão lũ.
Truyền thống đáng quý của dân ta là đùm bọc nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Nhưng buồn thay, lòng tốt đôi khi cũng bị chỉ trích đặt không đúng chỗ, thậm chí bị nghi ngờ và phê phán “làm màu”!
Từ thiện, trước hết xuất phát từ tâm hướng thiện. Hoạt động thiện nguyện có thể là sự đóng góp, trao gửi cho một người hay một nhóm bạn bè cùng chung chí hướng; hoặc tự mình trực tiếp đến những nơi cần hỗ trợ; hoặc qua tổ chức, đoàn thể…
Những ngày qua, trong lúc mưa lũ nhấn chìm nhiều thôn xã; trong lúc chính quyền còn nhiều lo toan chưa kịp trở bộ và đủ lực để ứng phó, thì các đoàn cứu trợ tự phát của dân đã kịp thời cứu đói (và cả cứu sống) cho nhiều nơi, nhiều người.
Hình ảnh những cá nhân, những nhóm thiện nguyện khắp các miền đất nước len lỏi qua các vùng bị lũ, bão; cứu trợ bằng đủ phương tiện và hình thức…không chỉ làm ấm lòng người dân vùng lũ, mà cả những người con xa quê đang ngóng về đồng bào, người thân của mình.
Nhưng sau những ngợi ca; một số “anh hùng bàn phím” bắt đầu nhìn lại và… đánh giá. Họ cho rằng hàng cứu trợ của các cá nhân hay đoàn thiện nguyện không đến được vùng sâu, vùng bị thiệt hại nặng…Có người còn nghi ngờ rằng, thiện nguyện của cá nhân nào đó hoặc nhóm người nào đó chỉ là một cuộc chơi, sự đánh bóng tên tuổi, làm màu…
Bạn đã tự hỏi, nếu là bạn, giữa lúc mưa bão tơi bời, lũ lụt có thể cuốn phăng cả những cây cầu, ngôi nhà thì bạn có dám ngồi lên chiếc thuyền nhỏ bé đi giữa mênh mong nước để làm từ thiện?
Bạn có dám tham gia trò chơi mà cả người thắng lẫn người thua đều có nguy cơ mất mạng?