Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ vừa triệt phá băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp (DN) đòi nợ thuê cho ngân hàng, công ty tài chính. Các đối tượng này thành lập 7 công ty đều đặt tại phường 15, quận 11, TP HCM, để thu nợ cho những công ty có nhu cầu.

Như nấm sau mưa

Theo cơ quan điều tra, Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP, 1 trong 7 công ty nêu trên, mua các khoản nợ mà khách hàng đã vay của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (gọi tắt là Mirae Asset Việt Nam; trụ sở tại quận 1, TP HCM) và một số tổ chức tín dụng khác nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12%-15% giá trị tổng số nợ. Bộ phận vận hành tiếp nhận thông tin khách hàng, khoản nợ từ Mirae Asset Việt Nam rồi cập nhật vào hệ thống, phân chia vào từng tài khoản của nhân viên thu nợ.

Nhân viên thu nợ trực tiếp đòi nợ bằng cách sử dụng nhiều số điện thoại để liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách. Thậm chí, các đối tượng còn cắt, ghép hình ảnh khách hàng và người thân vào các khung hình đồi trụy hoặc gắn vào thông tin không đúng sự thật rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo sức ép buộc khách phải trả tiền.

Trước đó, Công an TP HCM đã khởi tố 26 bị can là các nhân viên của Công ty Mirae Asset và Chi nhánh Công ty Luật TNHH Power Law về tội “Vu khống”. Trong đó, Công ty Mirae Asset là công ty nước ngoài (trụ sở chính tại quận 1, TP HCM), do một người Hàn Quốc tên L.J. làm tổng giám đốc. Công ty Mirae Asset được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”. Khi ký hợp đồng vay, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân. Lãi suất cho vay từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm, hình thức trả góp hằng tháng.

Đáng chú ý, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Đối với nhóm nợ từ 1-89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng. Với nhóm nợ từ 90-179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm gọi điện nhưng thường xuyên, liên tục hơn. Riêng với nhóm nợ trên 180 ngày, nhân viên gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc làm nhục trên mạng xã hội để gây sức ép buộc người vay trả nợ.

Mới đây, ngày 3-3, Công an TP Cần Thơ phối hợp với lực lực chức năng kiểm tra nhà số K22 đường số 3, khu dân cư Nông Thổ Sản, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 10 người đang thực hiện hành vi đòi nợ cho Công ty Bamboo. Đây là khoản nợ được vay trên app (ứng dụng) vay tiền trên mạng do người Trung Quốc điều hành.

Mới nhất, ngày 6-3, Công an TP HCM đồng loạt khám xét trụ sở Công ty CP Kinh doanh F88 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp và một số chi nhánh ở quận 1, 12, TP Thủ Đức… để phục vụ điều tra về các hoạt động cho vay và nghi vấn cưỡng đoạt tài sản.

Lực lượng công an khám xét chi nhánh Công ty CP Kinh doanh F88 ở quận Tân Phú, TP HCMẢnh: PHẠM DŨNG

Biến tướng tinh vi

Cơ quan điều tra cho hay thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành nghề này để hoạt động đòi nợ trái pháp luật; nguy hại và phổ biến nhất là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ. Do đó, Luật Đầu tư năm 2020 đưa ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục cấm. Theo đó, hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1-1-2021 phải thanh lý; DN đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở thời điểm đó có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác. Như vậy, bất cứ DN, đơn vị nào mượn danh nghĩa công ty bảo vệ – tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, sử dụng nhân viên đòi nợ thuê liên kết với DN, cơ sở cho vay… đều vi phạm pháp luật.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an, tình trạng các đối tượng côn đồ, nghiện hút, băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của người vay nợ và người thân vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. Ngoài ra, gần đây, nổi lên tình trạng bên thu nợ giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật gọi điện, nhắn tin đe dọa người vay; hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự còn cho biết mặc dù tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội… Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay tín dụng đen chuyển hướng lập DN cho vay trực tuyến, vay qua app hoặc lập tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… nhằm len lỏi, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay tiền. Đáng chú ý, những app này thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khách hàng của những app này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp cần vay một khoản tiền nhỏ trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Chặn kẽ hở pháp luật

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, chỉ rõ thực tế sau khi dịch vụ đòi nợ bị cấm, các tổ chức dùng chiêu thức ký kết hợp đồng mua bán nợ. Tức là, bên đang bị nợ ký kết với bên thứ 3 để bán lại những hợp đồng tín dụng khó thu hồi; bên thứ 3 sẽ thu hồi nợ qua các phương pháp khác nhau. Việc vay nợ, mượn nợ, bán nợ là giao dịch dân sự và không bị cấm. Tuy nhiên, để hoạt động thu hồi nợ không dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Góp ý cụ thể, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn cho rằng cần có một tổ chức thuộc Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng được cấp phép. Đặc biệt, cần kiểm tra các công ty tài chính xử lý những hợp đồng tín dụng theo cách nào? Có bán hợp đồng nợ cho đơn vị khác không và bên thứ ba xử lý thu hồi nợ như thế nào? Đồng thời, cũng cần rà soát, thống kê tỉ lệ số vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng theo luật sư Toàn, cần nâng cao việc tuân thủ các cam kết trong giao dịch dân sự. Tòa án các cấp phải nhanh chóng giải quyết các vụ việc liên quan vay nợ, tránh để mất quá nhiều thời gian khiến các bên ngại kiện ra tòa. “Những hành vi xúc phạm nhân phẩm, quyền nhân thân… ở bất cứ môi trường nào đều cần được xử lý kịp thời. Nếu những hành vi này không được ngăn chặn kịp thời thì việc nở rộ các dịch vụ đòi nợ thuê nhuốm màu bạo lực, “xã hội đen” cũng là điều dễ hiểu. Người dân cũng cần nâng cao cảnh giác; khi bị khủng bố đòi nợ mà mình không liên quan thì chủ động lưu giữ tài liệu, lập tức trình báo cơ quan chức năng” – luật sư Toàn lưu ý.

Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự – VKSND TP HCM, mỗi người dân phải tự ý thức nguy cơ gặp rắc rối khi vay mượn qua app hoặc vay tiền nóng, giải ngân nhanh. Về phía cơ quan chức năng, bên cạnh tích cực triệt phá băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen thì cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao cảnh giác. “Vừa qua, còn có ngân hàng thuê công ty đòi nợ để xử lý nợ xấu. Cần có biện pháp mạnh tay đối với những người thuê mướn các công ty núp bóng để vu khống, làm nhục người khác trên mạng xã hội nhằm đòi được tiền” – bà Nhuệ nói thêm.

Một số quy định xử phạt

Cơ quan chức năng cho hay hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai sự thật, bôi nhọ người vay tiền trên mạng xã hội có thể bị truy tố theo điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân, người bị bôi nhọ có thể gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an kèm tài liệu chứng minh.

Hành vi “mượn danh” hành nghề luật sư để đòi nợ thuê, như trường hợp Công ty Luật TNHH Pháp Việt đăng ký kinh doanh trợ giúp pháp lý nhưng hoạt động thực tế là đe dọa, khủng bố người khác để thu hồi nợ, sẽ bị xử lý theo Luật Luật sư và các quy định khác. Theo Luật Luật sư, chỉ tổ chức hành nghề luật sư mới có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý và người hành nghề phải được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề.