Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
4269

Nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người

Tội phạm mua bán người, một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, vẫn đang là vấn đề nóng trên toàn cầu. Cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người.

Sự tham gia vào các điều ước này đòi hỏi Việt Nam không chỉ phải nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế mà còn phải mạnh mẽ thực thi luật pháp quốc gia, điều chỉnh chúng để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể:

Ngày 29/3/2011, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Ngày 29/12/2011, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2549/2011/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Quyết định số 2550/2011/QĐ-CTN về việc gia nhập Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 18/4/2013, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 605/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngày 13/12/2016, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2674/2016/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, Việt Nam đã tiến hành nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Tuyên truyền cho người dân về phòng, chống mua bán người tại chợ phiên xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai).

 

Việt Nam đã sửa đổi Luật hình sự và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan (Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người…). Theo đó, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã tăng cường quy định về tội mua bán người theo hướng phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đây là những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người. Các công cụ pháp lý này không chỉ xác định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người mà còn quy định về việc bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân mua bán người, từ việc giáo dục cộng đồng đến việc cung cấp dịch vụ pháp lý và tâm lý xã hội. Và với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ năm 2014 đến năm 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân.

Trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượngvà số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Phân tích các số liệu thống kê về tình hình tội phạm mua bán người kể từ thời điểm ban hành Luật phòng, chống mua bán người (ban hành ngày 29/03/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18/04/2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Quyết định số 605 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy: trong 03 năm (2011-2013), tình hình tội phạm mua bán người duy trì ở mức cao cả về số vụ, số đối tượng và nạn nhân. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 480 vụ/720 đối tượng/890 nạn nhân/1 năm; trong 10 năm (2014-2023), tình hình tội phạm mua bán người có sự thay đổi rõ rệt sau mốc 05 năm (2014-2018); giai đoạn 2019-2023 tuy có diễn biến tăng giảm thất thường (nếu tính từ mốc 2019) nhưng đã giảm đáng kể so với giai đoạn 05 năm trước đó. Tỷ lệ trung bình vào khoảng 120 vụ/230 đối tượng/240 nạn nhân/1 năm.

Có thể nói, trong cuộc chiến chống lại tội phạm mua bán người, Việt Nam đã chứng minh nỗ lực của mình bằng những cam kết mạnh mẽ thông qua việc áp dụng điều ước quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, các hoạt động nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam trong thời gian gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

H.Chi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *