Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
45299

Nỗ lực của Việt Nam bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Năm 2021 tại Việt Nam đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, nổi bật là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu cử Quốc hội và kiện toàn bộ máy Chính phủ khóa XV. Việt Nam đã đề ra tầm nhìn đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân

Tầm nhìn đó một lần nữa khẳng định những cam kết của toàn hệ thống chính trị đối với mục tiêu phát triển đất nước, quyết tâm mạnh mẽ trong tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền với chính sách lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, vì tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, đi đôi với phát triển bền vững, bao trùm nhằm nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam

Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn do dịch COVID-19

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người và tác động mạnh tới các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân. Tính đến ngày 13/10/2021, Việt Nam có tổng cộng 846.230 ca nhiễm với 786.095 ca đã được chữa khỏi (đạt khoảng 93% tỷ lệ chữa trị thành công).

Trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4, dịch bệnh lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo áp lực lớn đến kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 2,52% (tháng 7/2021)[1]. Khu vực dịch vụ, nhất là các ngành ngân hàng, du lịch, vận tải, khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề; hơn 70.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2021[2].Đại dịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thụ hưởng quyền của người dân, nhất là sinh hoạt, đi lại, học tập do phải giãn cách xã hội ở nhiều nơi để phòng chống dịch, song các quyền cơ bản của người dân vẫn được bảo đảm, trong đó có quyền tiếp cận các nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực, đồ dùng thiết yếu,  quyền chăm sóc y tế, giáo dục trực tuyến.

Bên cạnh những khó khăn, áp lực do tình hình dịch bệnh, những năm gần đây Việt Nam còn phải đối mặt với tác động gay gắt của biến đổi khí hậu. Suốt 30 năm qua, trung bình một năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế khoảng 2-2,5% GDP của Việt Nam. Năm 2020 là năm mà thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt, dị thường ở các vùng miền cả nước; xảy ra trên 458 trận thiên tai làm 342 người chết, mất tích, ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 33.500 tỷ đồng. Biến đổi khí hậu cũng tiếp tục tạo ra các tác động kinh tế xã hội sâu rộng đối với Việt Nam, không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc cung cầu hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước, khiến hàng chục ngàn héc-ta lúa bị mất trắng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực bền vững của đất nước, tác động sâu rộng đến sinh kế, quyền lợi của người dân.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Việt Nam xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung tay của người dân, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020[3] và dự kiến khoảng 2,5-3% năm 2021[4].

Việt Nam đã đạt những kết quả, thành tựu tích cực với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% trong năm 2020

Năm 2020, Việt Nam đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7% từ năm 2022 trở đi[5]. Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng đà phục hồi sau đợt dịch Covid-19 và từ lợi thế triển khai tái cơ cấu nền kinh tế để tận dụng tối đa hiệu quả của 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang triển khai với các đối tác, trong đó có Hiệp định định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với những cam kết về lao động và phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để tranh thủ những thành quả của các mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển đến mô hình phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người dân thực hiện tốt hơn các quyền y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế và quyền tham gia xây dựng pháp luật, nhà nước pháp quyền.

[1] https://nongnghiep.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-ty-le-that-nghiep-da-toi-muc-252-d298022.html

[2] https://nongnghiep.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-ty-le-that-nghiep-da-toi-muc-252-d298022.html

[3] Tổng cục thống kê  https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/

[4] Kịch bản dự báo tăng trưởng của Tổng cục Thống kê  https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/kich-ban-nao-cho-tang-truong-quy-4-2021-.html

[5] https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2021/08/24/vietnam-s-economy-is-forecast-to-grow-by-about-4-8-percent-in-2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *