Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
40204

Những thách thức và giải pháp thúc đẩy việc xử lý vi phạm về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa bằng tòa án

 

Những thách thức đối với việc xử lý các vi phạm về các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa bằng tòa án chủ yếu liên quan đến vấn đề thủ tục/tố tụng. Thứ nhất, các thẩm phán thiếu khả năng chuyên môn để đối diện, giải quyết những xung đột liên quan đến các vấn đề về quyền xã hội-kinh tế-văn hóa. Nhận định này dựa trên giả định sai lầm phổ biến là mọi vụ việc liên quan đến nhóm quyền này đều phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể, rắc rối hay các vấn đề chứng cứ đắt đỏ, có tác động tài chính quan trọng hoặc tiềm ẩn khả năng xung đột giữa các [nhánh] cơ quan nhà nước. Các thẩm phán thường thiếu hiểu biết hoặc chuyên môn trong các vấn đề chính sách xã hội, bao gồm sự am hiểu chuyên môn phức tạp về sức khỏe, giáo dục, thực phẩm hay nhà ở. Do đó, thẩm phán không nên được trao quyền quyết định về những vấn đề này, mà tốt hơn là dành cho sự tùy nghi của nhánh các cơ quan chính trị của nhà nước.

Những giả định này không hoàn toàn đúng. Trong việc xét xử, giống như ở bất cứ lĩnh vực nào khác, các thẩm phán phân xử dựa trên những quy tắc đang tồn tại, được ghi nhận trong hiến pháp, các điều ước nhân quyền, các đạo luật hay quy chế. Nếu có thể xác định rõ các trách nhiệm xuất phát từ các nghĩa vụ về quyền kinh tế-xã hội-văn hóa, thì vai trò của thẩm phán cũng không khác trong bất cứ các vụ việc khác: xác định trách nhiệm có được chủ thể có trách nhiệm tuân thủ hay không. Trên thực tế, thẩm phán có thể thực hiện được điều này trong nhiều lĩnh vực mà thường có chuyên môn phức tạp như: luật về viễn thông, luật về chống độc quyền, luật về môi trường,… Hơn nữa, việc xét xử về những vấn đề chuyên môn phức tạp tất nhiên có thể lưu tâm tới sự trợ giúp của những chứng cứ chuyên môn thích hợp, như trong bất cứ lĩnh vực nào khác. Do đó, không có lý do gì để không trao cho các thẩm phán quyền xét xử trong các lĩnh vực như sức khỏe, giáo dục, nhà ở hay lương thực. Có rất nhiều vụ việc về nhóm quyền kinh tế-xã hội-văn hóa không phức tạp, và thực tiễn tư pháp ở nhiều nền tài phán cho thấy, một tỷ lệ lớn các vụ việc về nhóm quyền này đã được phán quyết bởi tòa án là những khiếu kiện cá nhân, liên quan đến cả những nghĩa vụ chủ động và thụ động.

Ngoài ra, trong việc xét xử, thẩm phán phải tuân theo một quy trình thủ tục tố tụng mà hạn chế sự tùy nghi của họ. Trong khuôn khổ các phiên điều trần hay xét xử, các thẩm phán không thể chỉ đánh giá vụ việc theo ý chí của mình. Các quy tắc thủ tục, như sức nặng của chứng cứ, là đảm bảo chống lại những khiếu kiện không có căn cứ. Nó cũng đòi hỏi sự thận trọng tư pháp trước khi can thiệp vào những vấn đề chủ yếu được trao cho nhánh các cơ quan chính trị của nhà nước. Do đó, nguy cơ thẩm phán đưa ra các quyết định không bị ràng buộc hoặc vượt quá sự hiểu biết của họ là rất xa so với khuôn khổ mà các thẩm phán thường hoạt động. Hơn nữa, các phán quyết luôn có thể bị kháng nghị, do đó nó bảo đảm khi vấn đề được đưa tới tòa án phúc thẩm cuối cùng, thì mọi vấn đề đã được hoàn toàn phơi bày rõ và có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai, nhánh tư pháp thiếu khả năng thể chế để buộc nhánh các cơ quan chính trị của nhà nước tuân thủ thực thi các phán quyết về quyền kinh tế-xã hội-văn hóa. Do đó, sự mở rộng quyền tư pháp trong các lĩnh vực này, ngay cả khi với chủ ý tốt, có thể làm xói mòn tính chính danh của tư pháp nếu các phán quyết được đưa ra có hiệu lực yếu hoặc không thể được thực thi. Các chủ thể quyền có thể mất niềm tin vào tư pháp và chuyển sang các kênh chính trị để khiếu nại của mình được chấp nhận. Trên thực tế, trọng tâm của tranh luận này đó là vị thế yếu của nhánh tư pháp trước nhánh các cơ quan chính trị. Pháp quyền, độc lập tư pháp, sự tuân thủ các phán quyết của tư pháp và những hình phạt cưỡng chế cho các hành động bất tuân hoặc coi thường của các cơ quan chính trị với phán quyết là những điều kiện tiên quyết cho chức năng của tư pháp. Do đó, sự bất tuân các phán quyết của tư pháp trong lĩnh vực nhân quyền (dân sự-chính trị, hay kinh tế-văn hóa-xã hội), hay trong bất cứ lĩnh vực nào khác, không dẫn tới nghi ngờ về tính tài phán của quyền hay khả năng bảo vệ của tư pháp, mà là sự thiếu sót của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, sự thực thi tư pháp về quyền kinh tế-xã hội-văn hóa không loại trừ chủ thể có quyền khỏi việc theo đuổi các dạng hành động khác để khiếu nại về các quyền của mình. Các chiến lược chính trị và tư pháp không nhất thiết là mâu thuẫn, và thực tế chúng có thể củng cố cho nhau. Trường hợp sự ưu tiên là cần thiết lập một quy tắc nào đó, hoặc xác định nội dung của một nguyên tắc pháp lý hoặc nghĩa vụ chung, thì chiến lược chính trị có thể thuận lợi hơn một hành động tư pháp mà không có nền tảng pháp lý chắc chắn. Ngược lại, khi các quy tắc đã được thiết lập, điều mà chủ thể có quyền cần là các công cụ pháp lý để bắt buộc sự tuân thủ (của các chủ thể khác), và không phải là sự thương lượng lại các quy tắc. Do đó, cơ chế tư pháp có thể củng cố các nỗ lực chính trị trước đó hoặc các vi phạm pháp lý phát sinh từ chúng.

Thứ ba, sự không thích hợp của phiên điều trần hay xét xử như một diễn đàn cho sự thảo luận và đặt ra những bồi thường chính sách công trong các vấn đề liên quan đến quyền kinh tế-xã hội-văn hóa. Nhận định này chủ yếu dựa trên sự giới hạn của cơ chế tố tụng truyền thống, được thiết kế chủ yếu là cho các khiếu kiện cá nhân. Các phiên điều trần hay xét xử thiếu khả năng để giải quyết các vấn đề chính sách công phức tạp và rộng lớn do sự giới hạn của thông tin, liên quan tới nhiều chủ thể, sự phức tạp của kế hoạch và việc thực hiện các chính sách công,… Do đó, tranh chấp trong lĩnh vực quyền kinh tế-xã hội-văn hóa dẫn tới nguy cơ bóp méo tính hợp pháp của chính sách công và mang tới những kết quả không mong muốn, như là đảo lộn các quyết định ưu tiên được chấp nhận dựa trên cơ sở thông tin đầy đủ, can thiệp vào việc phân phối dịch vụ, hoặc điều chỉnh hay thay đổi sự phân phối nguồn lực khan hiếm đã được quyết định trước đó bởi những cơ quan chính trị có trách nhiệm.

Trong khi không phải mọi vi phạm quyền kinh tế-xã hội-văn hóa đều có bản chất tập thể hoặc phức tạp, thì thực tế trên là đúng khi xảy ra tranh chấp phức tạp hoặc đòi hỏi sự cải cách cấu trúc (như: các quyền của nhóm, vi phạm trên diện rộng, các trường hợp yêu cầu sự đền bù tập thể, yêu cầu cải cách cấu trúc, phân chia lại các nguồn lực, hoặc mở rộng giai đoạn đền bù mà yêu cầu sự giám sát liên tục,…). Tuy nhiên, các tranh chấp phức tạp không phải là một đặc trưng tất yếu của các quyền kinh tế-xã hội-văn hóa, và cũng không chỉ riêng biệt liên kết tới nhóm quyền này. Có rất nhiều ví dụ về các vụ việc tranh chấp phức tạp ở cấp độ quốc gia và quốc tế về các quyền dân sự-chính trị, như: phân biệt đối xử về chủng tộc, vi phạm quyền của các tù nhân,… Những tranh luận này đặt ra thách thức đối với việc cải cách thủ tục tố tụng cũ cho những trường hợp mới, và điều này có thể thực hiện thông qua các bài học từ sự phát triển của luật so sánh.

ThS NCS Nguyễn Minh Tâm

[1] Mục này được tóm tắt từ tài liệu: International Commission of Jurists (2008), Court and the Legal Enforcement of Economic, Social and Cultural Rights. Comparative Experiences of Justiciability, Human Rights and Rule of Law Series: No.2, tại: https://www.refworld.org/docid/4a7840562.html, [truy cập: 20/6/2019].

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *