Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
3853

Những quyết sách về phổ cập giáo dục

Ở Việt Nam, trước năm 1945, đại đa số người dân nước ta mù chữ. Theo tài liệu ghi lại của Nha Học chính Đông Pháp vào năm 1938 thì “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì”. Nhiều năm qua, phong trào xóa mù chữ đã ghi nhận những kết quả tích cực. Trung bình mỗi năm huy động được khoảng 30 nghìn người từ 15 – 60 tuổi mù chữ tham gia các lớp xoá mù chữ và những người đang học dở lớp 4, lớp 5 tham gia các lớp học giáo dục tiếp sau khi biết chữ..
Năm 1965, UNESCO chọn ngày 8/9 hằng năm là ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ, nhằm nâng tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của con người.
Đa số người mù chữ ở Cao Bằng là phụ nữ. Họ phải tham gia sản xuất, chăm sóc gia đình, con cái, khó có điều kiện học hết các lớp xóa mù chữ.
Trước đó 20 năm, cũng vào ngày 8/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam đã ban hành 3 sắc lệnh về giáo dục, chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, công cuộc học tập của nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới. Ngày nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập trong cả nước.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, “ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”.
Ngày 24/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2014/NÐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/05/2014.
Theo đó, Chính phủ quy định về điều kiện bảo đảm, trách nhiệm của các cơ quan; tiêu chuẩn, thẩm quyền và hồ sơ công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở (sau đây gọi chung là phổ cập giáo dục) và xóa mù chữ. Nghị định này được áp dụng đối với công dân Việt Nam, đang sống tại Việt Nam, các tổ chức và cá nhân liên quan.
Nhà nước ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia vào việc thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập khi tham gia các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định; cá nhân tham gia tổ chức, quản lý, dạy học và các công việc khác để thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được hường thù lao theo quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể nội dung và quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; đặc biệt, Mục tiêu số 4 chỉ rõ, đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong đó có người dân dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đều có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xóa mù chữ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *