Trẻ em được hiểu là người chưa trưởng thành. Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em năm 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.
Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định: Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của bộ luật này. Nghĩa là, người lao động dưới 15 tuổi làm việc theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động thì được xem là lao động trẻ em.
Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Và pháp luật nghiêm cấm hành vi bóc lột sức lao động trẻ em như: hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.
Vậy khi nào người sử dụng lao động được phép sử dụng lao động trẻ em?
Khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;
– Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.
Đồng thời, tại Điều 5 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định về thẩm quyền đồng ý việc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc như sau:
– Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…;
– Đối với người sử dụng lao động là hộ gia đình, cá nhân: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/tạm trú.
Thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đề ra mục tiêu: tiếp tục giảm tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên 5-17 tuổi xuống còn 4,9 %; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.