Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
22214

Những nữ chính trị gia xuất chúng làm nên lịch sử hiện đại

 

Sẽ thật thiếu sót khi đề cập đến chính trường quốc tế mà không nhắc đến những nữ chính trị gia xuất chúng nhất, thành công nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

“Người đàn bà thép” của nước Anh

Không phải là nhận định chủ quan khi nói rằng, Margaret Thatcher là một trong những chính trị gia xuất sắc nhất mà nước Anh từng sản sinh. Bà là nữ Thủ tướng đầu tiên, đồng thời cũng là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ 4 chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị Anh (Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nội vụ, và Bộ trưởng Ngoại giao). Thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng của bà dài nhất trong lịch sử Anh kể từ năm 1827. Theo BBC, Margaret Thatcher chiếm vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại. Vậy đâu là những điểm nổi bật nhất trong sự nghiệp của Margaret Thatcher?

“Người ta có thể trèo lên đỉnh Everest chỉ vì mình, nhưng khi tới đỉnh, anh ta cắm cờ của quốc gia mình” là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Margaret Thatcher và cũng thể hiện rõ nhất con người và chính sách của bà khi nắm giữ vị trí Thủ tướng Vương quốc Anh.

Giữa những năm 1970, nước Anh – với quá khứ huy hoàng gặp phải muôn trùng thách thức. Nền kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng cao (cuối năm 1979 lên tới 2 triệu người). Gánh nặng trên vai Thủ tướng Anh là rất lớn, nhưng bằng bản lĩnh và thông minh của mình, Margaret Thatcher đã triển khai nhiều chính sách quyết đoán, tạo nên không ít thành tựu kinh tế – xã hội và đối ngoại cho nước Anh.

Về kinh tế, bà chủ trương thực thi chính sách tự do hóa, hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Thậm chí, bà còn sẵn sàng cho tư hữu hóa những doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các công ty British Gas và British Telecom. Đồng thời, Margaret Thatcher thắt chặt chi tiêu công, giảm gánh nặng cho ngân sách. Có thể nói, trên chính quê hương của kinh tế gia Adam Smith – cha đẻ của chủ nghĩa tự do về kinh tế, Margaret Thatcher đã hồi sinh sức sống của kinh tế thị trường.

Người đàn bà thép” Margaret Thatcher

Về đối ngoại, bà đã chứng minh không chỉ cho các đồng minh tại châu Âu và Mỹ mà còn cho cả thế giới thấy vai trò và sức mạnh trong quan hệ quốc tế của nước Anh. Điểm nhấn đối ngoại lớn nhất của Margaret Thatcher là quyết định dùng vũ lực chiếm lại Quần đảo Falkland (1982) từ Argentina. Đối với đồng minh, bà cùng với người bạn thân là Tổng thống Mỹ Ronald Reagan triển khai mạnh mẽ chiến lược “kiềm chế” đối với Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Margaret Thatcher cũng là người ủng hộ và sát cánh cùng Tổng thống Mỹ George H. W. Bush trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất với câu nói nổi tiếng “đây không phải lúc để lưỡng lự”. Bà tỉnh táo đưa ra cảnh báo về mối đe doạ từ Liên Xô, nhưng cũng là người đầu tiên tuyên bố rằng mình có thể “làm việc” được với Tổng thống Liên Xô đầu tiên và duy nhất Mikhail Gorbachev.

Margaret Thatcher cũng được coi là người “đặt nền móng” cho làn sóng hoài nghi hội nhập châu Âu (mà nay đã lên đến đỉnh điểm với sự kiện Brexit). Tháng 11 năm 1979, tại Hội đồng châu Âu Dublin, bà đã tuyên bố: “Chúng tôi không xin Cộng đồng hay bất cứ ai khác. Chúng tôi chỉ đòi họ phải trả lại tiền cho chúng tôi”.

Ngay cả khi đã từ chức, Margaret Thatcher vẫn tham gia chính trường Anh dưới nhiều hình thức đóng góp về chính sách. Sự nghiệp lẫy lừng của bà chỉ thực sự kết thúc vào ngày 08/4/2013 khi bà trút hơi thở cuối cùng. Khi “Bà đầm thép” của chính trường Anh qua đời, tờ New York Times (Mỹ) đã chạy dòng tít lớn: “Margaret Thatcher, người tái tạo nước Anh, vừa tạ thế”. Thậm chí, Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron còn gọi bà là “người phụ nữ vĩ đại không chỉ dẫn dắt mà còn cứu đất nước”.

Nữ chính khách huyền thoại của nước Đức hiện đại

Đến nay, ngay cả khi đã công bố không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 vào năm 2021, Thủ tướng Angela Merkel vẫn là nhân vật có ảnh hưởng quan trọng đối với chính trường thế giới hiện nay. Bà là phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức, cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) vươn đến vị trí lãnh đạo nước Đức thống nhất. Bà cũng là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử nước Đức hiện đại (16 năm) và luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà được dư luận đánh giá cao nhờ phong cách hành động mạnh mẽ và những thành tựu nổi bật trong chính sách kinh tế – xã hội, đối nội và đối ngoại không chỉ của nước Đức mà còn của cả châu Âu.

Vào thời điểm Angela Merkel nhậm chức năm 2005, hơn 4,5 triệu người Đức không có việc làm. Quan hệ quốc tế đảo lộn với việc Mỹ vừa tiến hành chiến tranh với Iraq; quan hệ Mỹ – Trung, Mỹ – Nga ngày càng trở nên căng thẳng. Nhưng Angela Merkel đã chứng minh được vai trò của mình đối với nước Đức, châu Âu và cả thế giới.

Thủ tướng Angela Merkel

Với sự dẫn dắt của Merkel, nền kinh tế đã dần hồi phục từ các gói phúc lợi xã hội và cải cách kinh tế. Bà là người đưa ra ngoại lệ nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67. Angela Merkel cũng đã chèo lái con thuyền Đức vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 – 2009 và hạn chế tỷ lệ thất nghiệp bằng cách áp dụng chương trình làm việc ngắn hạn. Lần đầu tiên kể từ năm 1969, Đức không có khoản nợ mới trong ngân sách liên bang – một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của nữ Thủ tướng. Đầu năm 2006, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Angela Merkel, sau 100 ngày cầm quyền, giành được sự ủng hộ cao nhất trong số các Thủ tướng lãnh đạo nước Đức kể từ năm 1949.

Angela Merkel cũng được coi là “nhà lãnh đạo thật sự của Liên minh châu Âu” và có những dấu ấn quan trọng về kinh tế và ngoại giao, tiêu biểu như cách bà xử lý cuộc khủng hoảng Eeurozone. Năm 2009 – 2010, khi cả châu Âu suy sụp vì khủng hoảng nợ công xuất phát từ Hy Lạp, Thủ tướng Angela Merkel là người đi đầu trong nỗ lực yêu cầu Hy Lạp cải cách kinh tế và cắt giảm ngân sách để đổi lấy các gói viện trợ mới của chủ nợ quốc tế, bất chấp ý kiến chỉ trích của các nước khác. Dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức cũng là một trong những bên đóng góp lớn nhất trong sứ mệnh của NATO tại Afghanistan và hỗ trợ chiến binh người Kurd ở Iraq. Điều này trái ngược với sự miễn cưỡng khi đưa vũ khí vào các cuộc xung đột trước đó.

Năm 2019 là năm thứ 9 liên tiếp Thủ tướng Đức Angele Merkel được Tạp chí Forbes xếp là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Merkel xếp số 1 suốt từ năm 2006 đến nay, ngoại trừ năm 2010 khi bà chỉ xếp thứ 4 còn Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đứng nhất. Theo Forbes, “Bà Merkel vẫn được coi như nhà lãnh đạo của châu Âu, tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất khu vực sau khi lèo lái đất nước qua cuộc khủng hoảng tài chính và tăng trưởng trở lại”..

Người phụ nữ Việt khiến thế giới nể phục

Có thể nói bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trước 1975 là một trong những nữ chính khách tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện đại.  

Dấu ấn đậm nét nhất của bà trên chính trường thế giới chính là Hiệp định Paris về Việt Nam (1968 – 1973). Trong suốt 5 năm đàm phán dai dẳng – khoảng thời gian làm cho ngay cả những chính trị gia lão làng như Henry Kissinger cũng cảm thấy mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Bình đã làm không ít “cánh mày râu” cảm thấy nể phục bởi phong cách giao thiệp lịch lãm, sang trọng, nụ cười luôn nở trên môi và những lời phát biểu “có gang, có thép” lúc rắn rỏi lúc vi von dí dỏm. Báo chí phương Tây đã đặt cho bà biệt danh là “Madam Bình” đầy kính trọng. Trong những năm tháng tiến hành đàm phán, bà Nguyễn Thị Bình còn tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các đoàn thể, các cá nhân ngay tại Mỹ, các nước tham chiến và của cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bà không ngại gặp mặt trực tiếp, vận động, thông tin và trả lời phỏng vấn nhiều báo quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari

Thắng lợi của Hiệp định Paris 1973 là thắng lợi của cả dân tộc, là bước quan trọng để ta giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối trong cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chia sẻ về thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, bà Nguyễn Thị Bình từng nói: “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam, Bắc, nghĩ đến những người đã ngã xuống không còn biết được sự kiện trọng đại này, tôi bỗng trào nước mắt…”. Có thể nói đó là những giây phút trọng đại nhất, vinh quang nhất, đáng tự hào nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng – Nguyễn Thị Bình.

Năm 2020 là dịp kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước, cũng là dịp để mỗi người Việt tưởng nhớ về sự hy sinh của các bậc tiền bối, của thế hệ cha anh. Chắc chắn, trong số đó, chúng ta sẽ không thể nào quên được hình bóng của bà Nguyễn Thị Bình – một người phụ nữ nhỏ nhắn bước ra khỏi khói lửa chiến tranh cùng các đồng chí của mình tỏa sáng mãnh liệt trên bàn đàm phán, khiến các chính trị gia lão luyện từ các nước lớn phải ngả mũ thán phục■

 

 “Khi đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam, Bắc, nghĩ đến những người đã ngã xuống không còn biết được sự kiện trọng đại này, tôi bỗng trào nước mắt…” (Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình)

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *