Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
26372

Những lớp học nơi cửa Phật

Hoạt động dạy và học chữ viết Khmer cho con em đồng bào dân tộc đang ngày càng phát triển ở Sóc Trăng, nơi có phần đông người Khmer sinh sống. Đáng chú ý, bên cạnh việc dạy cho các em nhỏ, các lớp học dành cho người lớn mà chủ yếu là các… cán bộcũng được mở liên tục.

Lên chùa học chữ

Lớp học tiếng Khmer do sư Kim Chí Thanh dạy tại chùa Sê Rây Ta Mơn

Trở lại Sóc Trăng những ngày đầu tháng 6 để thăm chùa Sê Rây Ta Mơn ở huyện Trần Đề, toạ lạc ngay trên tuyến lộ huyết mạch thông thoáng nối liền hai huyện Mỹ Xuyên – Trần Đề, chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe thấy những giọng đọc tiếng Khmer ấm áp vang lên từ các lớp học nhỏ ở phía bên trái ngôi chánh điện uy nghi, sừng sững, đồ sộ với nét đặc thù rất tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống. Hơn 30 đứa trẻ đang say sưa đánh vần chữ Khmer theo lời giảng của sư Kim Chí Thành (29 tuổi) trong căn phòng rộng chừng 50m2.

Thượng toạ Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn cho biết: “Cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc ở thị xã hoạt động; góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống. Đặc biệt, trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Khmer, chính quyền cũng đã hỗ trợ các kinh phí về giảng dạy và giúp các sư sãi trong chùa vận động bà con xung quanh cho phép con em mình được tham gia các lớp học tiếng Khmer vào dịp hè”. Chỉ vào lớp học do sư Kim Chí Thanh đang đứng lớp, Thượng toạ Trần Văn Tha nói: “Như sư Kim Chí Thanh đó trước đây cũng là học sinh của chùa. sư Thanh theo học tiếng Khmer ở nhà chùa từ khi còn là một cậu bé. Dần dà, sư học cao hơn, học hết phổ thông, học đại học, rồi sang cả Thái Lan học rồi lại quay trở về chùa tham gia giảng dạy”.

Thượng toạ Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn

Ngồi ở hàng ghế thứ 2 từ trên xuống, Thạch Thị Ngọc Đào (13 tuổi, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, hè năm nay, em và một bạn cùng ấp tới chùa SêRây TaMơn học chữ. Em đã học được hơn một tuần tại đây. Buổi trưa, sau khi ăn cơm tại nhà xong Đào sẽ tới lớp học lúc 13h30 phút và trở về nhà lúc 15h30.Cũng giống như Đào, em Lý Mạnh Hân (14 tuổi, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) và em gái 10 tuổi của mình tới chùa học chữ Khmer. Hân tâm sự: “Em đã học tới lớp 4 rồi. Ở nhà nói tiếng Khmer nhưng không được dạy chữ. Đây là lần đầu tiên bố mẹ em cho hai chị em đi học chữ Khmer. Ngoài học chữ, giờ nghỉ, hai chị em lại dọn dẹp, quét dọn trong chùa”.

Trong khi đó, tại chùa Prey Chóp, các lớp học tiếng Khmer được bố trí dạy vào buổi chiều tất cả các ngày trong tuần và cả thứ 7, chủ nhật. Thạch Huy Sa (13 tuổi) vừa từ Campuchia trở về Việt Nam được chừng 5 tháng. Nhà có 3 anh chị em, Huy Sa là út, còn nhỏ tuổi nên được gửi nương tựa chùa Prey Chóp. Huy Sa nói: “Trước đây, con chưa từng được học chữ. Ở chùa, con mới có bạn bè cùng trang lứa”. Ngoài giờ học, Huy Sa quét dọn, giúp đỡ những việc vặt trong nhà chùa. Huy Sa khoe: “Con biết chữ rồi, con biết viết tên con. Ở đây, con có bạn nên được chơi trốn tìm, tắm mưa thích lắm”. Cùng lớp với Huy Sa, Thạch Phương Sang (12 tuổi) có nụ cười khá tươi cứ len lén nhìn chúng tôi giơ điện thoại lên chụp ảnh. Được nghỉ giải lao, cu cậu chỉ đứng một góc bẽn lẽn cười nhìn các bạn trêu nhau. Đến khi chúng tôi hỏi, Sang mới bộc bạch: “Em lên chùa học tiếng Khmer được 3-4 lần rồi. Hè năm nào bố mẹ cũng gửi em lên chùa học 1-2 tháng. Nhà em có 4 anh chị em nhưng em là chăm chỉ nhất, các chị em cũng lên nhưng ít hơn”. Sang cho biết, lớp của em có 8 bạn đều đến chùa học chữ sau khi được nghỉ hè. Ngoài giờ học, các em làm những việc nhỏ như: quét dọn khuôn viên, trải chiếu chuẩn bị nghi lễ…

Lớp học tiếng Khmer ở chùa Prey Chóp, thị xã Vĩnh Châu

Dạy miễn phí để bảo tồn tiếng Khmer

Tại Sóc Trăng, cứ vào hè là các chùa sẽ mở những lớp học chữ Khmer miễn phí. Thông qua giữ gìn chữ viết, tiếng nói mẹ đẻ, hoạt động này giúp bảo tồn, nuôi dưỡng văn hóa của một trong số 54 dân tộc anh em ở Việt Nam. Thượng toạ Trần Văn Tha cho hay, thông thường trước khi nghỉ hè 2-3 tháng, chùa sẽ thực hiện một “chiến dịch vận động”, cử người đến từng gia đình ở các ấp, thôn xung quanh, vận động bà con cho con em mình theo học tiếng Khmer. “Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn do bà con còn ngại ngùng, nhất là lo lắng về chi phí học. Sau biết các lớp học được miễn phí, con em mình được học chữ Khmer, được giảng dạy về đạo lý làm người, bà con phấn khởi lắm và càng ngày càng có nhiều người cho con em mình theo học trong chùa”.

Nói về lớp học chữ mùa hè cho trẻ em Khmer, sư Kim Chí Thanh cho hay, chùaSê Rây Ta Mơnhiệncó 4 lớp học cho trẻ em Khmer gồm: 2 lớp 1 với trên 100 học sinh; 1 lớp 2 với 40 học sinh và 1 lớp 3 với 7 học sinh. Các lớp được tổ chức trong 2,5 tháng hè với 3 người thầy là các nhà sư sẽ đứng lớp. Các phật tử trong các ấp, phum, sóc sẽ trang bị cho con cái sách, vở, dụng cụ học tập. Đứng lớp giảng dạy là các sư, sãi tu tập nhiều năm trong chùa. Các lớp được phân theo trình độ, từ lớp 1, 2, 3 để các em học sinh dân tộc dễ tiếp thu. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho các lớp học, chùa Tà Mơn đã dành khu vực tầng 1 nhà chính điện thường tổ chức hội họp, tiến hành nghi lễ làm nơi cho các cháu học tập. Mỗi lớp học sẽ có 1 chiếc bảng lớn chừng 5m, 3 chiếc quạt lớn và 50 bộ bàn ghế để trẻ em ngồi học.

Các em học sinh người Khmer rủ nhau đạp xe đến chùa học chữ

Lớp học hiện tại mà Sư Thanh đang giảng dạy có khoảng 30 cháu, học tiếng Khmer ở trình độ thấp nhất. Các cháu đều mới tham gia lớp học được khoảng 1-2 tuần, có cháu lâu hơn thì được 1 tháng. Sư Thanh cho biết, với những học sinh mới học, nhà chùa sẽ dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Lớp cao hơn thì học tập đọc, học viết; cao hơn nữa thì học các môn văn hoá như Toán, Văn, Lịch sử…. bằng tiếng Khmer… Song song với việc dạy tiếng Khmer, các sư còn dạy học sinh về văn hoá của người Khmer, cách đối nhân xử thế, lòng biết ơn, giáo lý nhà Phật, lòng biết ơn… Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm cho hay,ngoài việc chú trọng gìn giữ, phát triển văn hoá Khmer, tỉnh Sóc Trăng cũng rất chăm lo đến việc bảo tồn ngôn ngữ Khmer. Đã thành thông lệ, cứ vào dịp nghỉ hè, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tại Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung lại tổ chức lớp dạy chữ viết Khmer cho con em đồng bào dân tộc. Hoạt động này ngàycàng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, không chỉ có con em là đồng bào Khmer mà cả các em người dân tộc Kinh, Hoa cũng đến đăng ký học.

Thạch Huy Sa (13 tuổi) đang học chữ Khmer tại chùa Prey Chóp

Được biết, với dân số 1,2 triệu người,Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer với khoảng 362.029 người, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnhvà là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước).Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 92 chùa Khmer. Các chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào Khmer mà còn là nơi giảng dạy giáo lý và chữ viết cho các tăng sinh và con em phật tử trong phum sóc. Việc các chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer cho con em phật tử trong phum sóc góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc; đồng thời, giúp cho con em đồng bào có được môi trường học tập lành mạnh và trau dồi thêm vốn kiến thức.

Học chữ Khmer để gần dân, hiểu dân

Đáng chú ý là ở Sóc Trăng, lớp học chữ Khmer không chỉ dành cho các em nhỏ biết tiếng mà chưa biết chữmà còn có sự tham gia củarất nhiều cán bộ lãnh đạo, nhà quản lý. Họ được tiếp tục đào tạo để tăng cường gần dân, hiểu dân, làm tốt vai trò trách nhiệm của mình.Anh Lâm Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã học lớp chữ Khmer năm 2023 được hơn 1 thángcho hay,lớp họccủa anhsẽ học trong7,5 tháng, học vào thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Anh Tiền nhấn mạnh:“Xã Phú Tân hiện có trên 75% là dân tộc Khmer. Bản thân tôi là người Khmer nhưng chỉ biết tiếng. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc tại các chùa với các vị có chức sắc, ban quản trị, nhà sư thì họ sử dụng các văn bản chữ Khmer nên tôi gặp khó khăn để hiểu, giải quyết các vấn đề. Sau khi học xong các lớp chữ viết, tôi giao tiếp, làm việc với bà con dễ dàng hơn”.

Lớp Pali 2 nằm trong chùa Chén Kiểu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên)

Cũng theo anh Tiền, sau khi được học chữ Khmer, cán bộ sẽ dễ nắm bắt được những ý kiến, kiến nghị, cũng như nguyện vọng của người dân. “Theo tôi, vấn đề học tiếng Khmer cần được nhân rộng, cán bộ biết được tiếng, chữ Khmer càng nhiều càng tốt. Không chỉ cán bộ dân tộc Khmer, cán bộ các dân tộc khác tại địa phương cũng cần biết thêm những vấn đề bản sắc, văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer,” anh Tiền khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Diện – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cũng đang theo học lớp Pali nâng cao 2. Bà Diện cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện dự án bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ hội phụ nữ thường xuyên đi công tác cơ sở và tiếp xúc với đồng bào nên phải trang bị kiến thức tiếng Khmer để phục vụ cho công việc của mình. Trong quá trình mình đi cơ sở thường sẽ hỏi thăm đồng bào về điều kiện, hoàn cảnh sống, nắm tâm tư tình cảm của đồng bào. Đồng bào nhiều nơi biết ít tiếng Kinh nên hai bên khó tương tác, trò chuyện”.“Khi mình tuyên truyền vận động đồng bào, mình chào hỏi bằng tiếng Khmer cũng đã tạo được sự gần gũi, thân thiết khiến đồng bào dễ dàng cởi mở với mình”, bà Diện nhấn mạnh.

Lớp học chữ Khmer nâng cao dành cho cán bộ tại Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ

Ông Lâm Sách, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng chobiết: “Nhằm hỗ trợ giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết, năm 2019 và 2020 HĐND và UBND đã có những chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè là 874.880.000 đồng cho 158 nhà sư, Achar. Chương trình tiếng Khmer được phát sóng trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh 03 buổi/ngày và trên sóng truyền thanh của thành phố Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu 02 buổi/ngày, Tòa soạn Báo Sóc Trăng xuất bản ấn phẩm Tạp chí Khmer Sóc Trăng và Báo Sóc Trăng bằng chữ Khmer”.

Được biết, tỉnh Sóc Trăng cũng đã giao cho Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ -đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí toàn bộ của nhà nước nhiệmvụ là ngoài chức năng giảng dạy cho các tăng sinh, thực hiện thêmđề án đào tạo tiếng Khmer cho các cán bộ công chức viên chức của tỉnh. Trường được tỉnh ủy chọn là cơ sở đào tạo đến nay là 4 khóa với số lượng trên dưới 1000 học viên là các cán bộ công chức viên chức. Chương trình giảng dạy với 3 cấp: căn bản, nâng cao và biên phiên dịch để phục vụ cho các cơ quan, sở, ngành cần biên phiên dịch như Tòa án, Viện kiểm sát, Đài truyền hình…

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *