Năm 2020, ngành Giáo dục – Đào tạo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hoàn thành ‘nhiệm vụ kép’
Năm 2020, học sinh, sinh viên cả nước đã trải qua ‘kì nghỉ Tết’ dài nhất trong lịch sử do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Xác định chủ trương “tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.
Cậu sinh viên người Mông dựng lán học online giữa núi rừng Hà Giang |
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Để hỗ trợ công tác giáo dục cho các trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2.
Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD-ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải lùi 1 tháng so với thông lệ đầu tháng 7 hằng năm.
Tuy nhiên, 20 ngày trước lịch thi, Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai. Lần này, không xác định được nguồn lây trong cộng đồng, dịch diễn tiến nhanh, lan rộng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận. Trước thực tế diễn biến dịch bệnh và sự chuẩn bị cũng như đề xuất của địa phương, Bộ GD-ĐT quyết định vẫn tổ chức kỳ thi nhưng chia thành 2 đợt.
Để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, Bộ GD-ĐT cũng có công văn hướng dẫn các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý cho thí sinh phải tham gia thi đợt 2.
“Việt Nam đã nêu gương tốt về việc tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện rất khó khăn vì đại dịch”, ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá.
Trao quyền tự chủ cho giáo viên
Năm học 2019-2020 cũng là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Chương trình – SGK phổ thông mới. Để khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của người dạy, chương trình chỉ quy định số tiết/năm, chứ không quy định số tiết/tuần. SGK không còn là pháp lệnh mà chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên, còn sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên, miễn là đảm bảo đúng yêu cầu đặt ra của chương trình môn học.
Điều này cho phép các nhà trường chủ động trong sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn học, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh và điều kiện dạy học của cơ sở.
Ngoài ra, theo Thông tư về Điều lệ trường tiểu học có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2020, giáo viên được trao quyền mới là được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục; vận dụng các hình thức hoạt động và phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.