Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14622

Những điểm mới của Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

 

Dự thảo Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Với những điểm mới trong Dự thảo Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thảo luận vào tháng 5 và mới đây 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến. Qua các lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có bố cục 8 chương và 78 Điều (giữ nguyên số chương và giảm 02 điều so với Luật hiện hành). Một số ý kiến cho rằng dự án Luật nên tập trung quy định các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch và xử lý nghiêm khi vi phạm pháp luật; đề nghị cân nhắc thêm việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Với những điểm mới trong Dự thảo Luật Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Điều 1 Dự thảo Luật được chỉnh lý như sau “Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động”. Cách tiếp cận cũ của Luật là chỉ tập trung vào việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và có những quy định cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đưa đi. Dự thảo luật lần này đã quy định mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, cũng như trách nhiệm đối với doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo vệ quyền lợi cho người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như các chính sách khi người lao động trở về nước.

Luật bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp Trung tâm dịch vụ việc làm (không thu phí với người lao động và tiền môi giới của người lao dộng) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, giúp Ủy ban Nhân dân thực hiện việc quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động.

Dự thảo Luật bổ sung điều chỉnh có điều kiện với đối tượng là du học sinh, người đi thăm thân, lao động đi làm việc theo kỳ nghỉ thông qua việc đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này, được hưởng các quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Về chính sách của Nhà nước đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4)

Dự thảo Luật bổ sung chính sách của Nhà nước trong hỗ trợ đào tạo đưa người đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thị trường lao động, phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về. Theo đó Luật quy định người lao động sau khi làm việc ở nước ngoài trở về, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước, để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10)

Dự thảo Luật sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao các điều kiện về vốn sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật… Nâng điều kiện về tài sản khi xin giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và thay quy định vốn pháp định thành vốn chủ sở hữu lên mức không thấp hơn 05 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định, thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18,19)

Bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, có gắn với điều kiện cụ thể và để khắc phục tình trạng đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề chưa sát với khả năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự thảo Luật quy định về chuẩn bị nguồn lao động tại Điều 18 của Dự thảo luật theo hướng phân định rõ các bước sơ tuyển, đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, đồng thời tạo lực lượng lao động với tay nghề và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động quốc tế.

Về hợp đồng môi giới và thù lao theo hợp đồng môi giới (Điều 23) và tiền dịch vụ (Điều 24)

Dự thảo Luật đã bỏ quy định người lao động phải có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh& Xã hội. Nghiên cứu mới nhất của ILO cho thấy tình trạng thu phí người lao động di cư trên mức trần theo quy định của pháp luật còn phổ biến. Dự thảo đã quy định cụ thể để xác định mức trần của dịch vụ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Lê Hà

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *