Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác tin bài của nhanquyenvn.org, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "nhanquyenvn.org". Tìm kiếm ngay
14769

Những chiêu trò mới của Trung Quốc trên Biển Đông

 

Trung Quốc đã gây báo động quốc tế bằng cách điều hàng loạt tàu tới gần rạn san hô Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia và Philippines đã đồng loạt lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút đội tàu đánh cá này.

Các hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp và hãng NPR công bố cho thấy các tàu của Trung Quốc đã neo đậu xung quanh rạn san hô Đá Ba Đầu. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines khẳng định, tính từ 7-3 đến nay, có khoảng 220 tàu cá Trung Quốc đậu tại đó.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông và đã xây dựng một số đảo nhân tạo, cũng như cố tình tạo ra một số tranh chấp trên các vùng biển thuộc chủ quyền của những quốc gia láng giềng. Quy mô hoạt động này của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Cận cảnh các tàu cá của Trung Quốc neo đậu sát nhau ở Đá Ba Đầu

“Hôm 29-3, máy bay trinh sát của Không quân Philippines phát hiện còn hơn 180 tàu thuyền neo đậu tại đó. Về cơ bản, Trung Quốc thường xuyên duy trì khoảng 200 tàu. Các bức ảnh vệ tinh cũng cho thấy boong của những con tàu này rất rất sạch”, Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Đại học Philippines cho biết.

Giám đốc điều hành tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Gregory Poling gọi đây là những hành động đáng ngờ và rằng những chiếc thuyền, được buộc “với độ chính xác” bên cạnh nhau, “không phải là để đánh cá”. “Không thể kéo lưới khi ngồi yên. Vì vậy, nếu đây là những ngư dân thương mại, tất cả họ sẽ bị phá sản”, ông Gregory Poling và nhận định mục đích của Trung Quốc trong việc neo đậu thuyền là để che chắn cho việc xây dựng trái phép. Đó là chưa kể đến khả năng Trung Quốc định tạo nên căn cứ quân sự nơi đây là Đá Ba Đầu chỉ cách 2 căn cứ quân sự hiện có của Trung Quốc trên Biển Đông có hơn 1 dặm.

Tuy nhiên, ông Jay Batongbacal đã chỉ rõ rằng không có “điều kiện thời tiết bất lợi” nào trong khu vực trong những tuần mà người Trung Quốc ở đó. Đồng thời, Giám đốc Viện Đại học Philippines cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiêu trò giống như việc chiếm trái phép Đá Vành Khăn vào những năm 1990. Ông Jay Batongbacal cho biết hồi đó, Trung Quốc nói rằng họ đang sử dụng rạn san hô để làm nơi trú ẩn cho ngư dân. Và đến năm 2015, Trung Quốc đã xây dựng một trong những đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, “hiện là nơi đặt một căn cứ quân sự toàn diện”, được bảo vệ bởi “các ụ tên lửa”.

Toàn cảnh rạn san hô Đá Ba Đầu và tàu Trung Quốc thả neo ở vùng biển xung quanh rạn san hô

Phân thích thêm về ý đồ của Trung Quốc, ông Gregory Poling nói: “Mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát vùng nước, đáy biển, vùng trời. Cái họ cần là sự áp đảo về số lượng tàu thuyền ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để khẳng định yêu sách của mình, Bắc Kinh ngày càng sử dụng hạm đội đánh cá như một lực lượng dân quân hàng hải. Chúng được sử dụng như một yếu tố cưỡng chế. Trung Quốc đưa cả nhóm tàu vào khu vực mà họ muốn bắt nạt những quốc gia láng giềng”.

Đồng thời, Giám đốc điều hành tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á còn chỉ rõ, sự đe dọa trên biển của Trung Quốc đang ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí và gây nguy hiểm cho ngư dân. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thì gọi động thái của Trung Quốc là một “hành động khiêu khích rõ ràng” gây lo ngại “nghiêm trọng”.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã tham gia: “Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác. Chúng tôi sát cánh với Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của chúng tôi ở châu Á.”

Nhật Bản, Australia, Anh và Canada cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines, nói rằng đội quân Trung Quốc đang đe dọa an ninh khu vực.

Ông Gregory Poling nói rằng lời kêu gọi thống nhất yêu cầu Trung Quốc rút đoàn tàu cá cho thấy  “mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh”. “Nếu cộng đồng quốc tế định vạch ra một ranh giới, hoặc cố gắng “ép buộc hoặc lôi kéo” Trung Quốc vào thỏa hiệp, thì phải làm như vậy ngay bây giờ” ông Gregory Poling nói.

S.Thương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *